Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đẩy mạnh truyền thông phòng tránh tai nạn bom mìn

Tiếp cận hoạt động truyền thông phòng tránh bom mìn
 
Những năm qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn và đạt được những kết quả quan trọng trong vấn đề xây dựng hành lang pháp lý, công tác rà phá bom mìn, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân…, với mục tiêu trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn.
 
Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc cũng coi khắc phục hậu quả bom mìn và hậu quả chiến tranh là mục tiêu lớn của cả thế giới, trong đó có Việt Nam.
 
Bộ LĐTBXH đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4. Bộ tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay khắc phục hậu quả bom mìn, thông qua các kênh thông tin để phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng…; Triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền về khắc phục hậu quả bom mìn theo chuỗi sự kiện tại nhiều tỉnh thành thu hút sự tham gia của cộng đồng, đảm bảo sức lan tỏa, hiệu quả cao.
 
Ngoài ra, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tổ chức in truyện tranh dành cho thiếu niên, nhi đồng với chủ đề “Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh” gồm 3.000 bộ với 11 đầu sách. Tổng số sách in đợt một là 33.000 cuốn. Truyện có nội dung, hình thức cuốn hút, mang tính giáo dục cao, phù hợp với trẻ em, được Hội và các chi hội địa phương tổ chức các hoạt động trao tặng cho học sinh tại các vùng ô nhiễm bom mìn trên địa bàn toàn quốc; tập trung nguồn lực cho các địa phương bị ô nhiễm nặng.
 
Với mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, Việt Nam cần nâng cao năng lực, đồng thời huy động nhiều nguồn lực tăng tốc độ rà phá bom mìn, để sau vài chục năm tiếp theo có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, việc tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm thống nhất, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân… sẽ góp phần tạo ra động lực thực sự để hoàn thành mục tiêu này.
 

Các điểm truyền thông phòng tránh bom mìn thu hút sự tham gia của học sinh.
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm nước ta có hàng nghìn người bị tai nạn, thương tích do bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, gây ra hệ lụy đối với chính sách, kế hoạch an sinh xã hội của Nhà nước. Diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc  sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh cho biết: Việc làm sạch bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh, hạn chế tối đa hậu quả do chúng gây ra là mong ước chung của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Vì thế, để thực hiện được công việc này, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, tầng lớp nhân dân. Theo kết quả điều tra, Quảng Ninh là một trong 15 tỉnh có diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ lớn nhất cả nước. 
 
Trước hết, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn dân về hiểm họa và hậu quả nặng nề do bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh gây ra. Từ đó, người dân sẽ có hành vi đúng đắn khi phát hiện ra bom, mìn, vật nổ, hạn chế tối đa những hành động tùy tiện khi tiếp xúc với bom, mìn, vật nổ. Đồng thời tổ chức giáo dục trực quan sâu, kỹ cho thế hệ trẻ về cách nhận biết các loại bom, mìn, vật nổ, nhất là học sinh, sinh viên trong các nhà trường trên những địa bàn ô nhiễm nặng, nhằm ngăn ngừa từ xa hậu quả đáng tiếc xảy đến với các em. Để khắc phục hậu quả bom mìn, Quảng Ninh đã tiếp nhận các hoạt động quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn nhân đạo, tăng cường công tác quản lý, thu hồi vật liệu nổ, nhất là những vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Mặt khác, tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân khi phát hiện vật liệu nổ cần báo ngay cho cơ quan chức năng để thu hồi, xử lý. Nhờ vậy, các vụ tai nạn bom mìn trên địa bàn đã dần giảm xuống nhanh, hướng đến mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh “an toàn” không chịu tác động của bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.


 Ngày hội truyền thông "Phòng tránh tai nạn bom mìn - tuyên truyền về những tác hại, hậu quả của bom mìn, vật liệu nổ.
 
Nâng cao ý thức  để phòng tránh tai nạn bom mìn
 
Để đạt mục tiêu trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, việc tuyên truyền phòng tránh hậu quả do bom mìn, vật liệu nổ gây ra là yếu tố đặc biệt quan trọng, để mỗi người dân tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân mình trước nguy cơ.
 
Những vụ việc điển hình trong rất nhiều tai nạn thương tâm do bom mìn, vật liệu nổ gây ra, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa có ý thức và chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để phòng tránh hậu quả. Trong nhiều vụ việc, nạn nhân thiệt mạng lại là những người không liên quan đến hành vi tàng trữ hoặc xử lý vật liệu nổ.
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 30% số vụ nổ do người dân tự ý thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, tháo gỡ bom đạn. Các loại bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh do người dân phát hiện, thu lượm nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát nổ, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản người dân.
 
Trong quá trình sinh sống, làm việc, không ít trường hợp người dân tìm được những quả bom hay chất nổ nhưng lại không xử lý đúng cách, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Các cơ sở thu mua phế liệu - khu vực tập trung những phế phẩm kim loại càng là nơi dễ xảy ra rủi ro. Đa số các điểm thu mua phế liệu hiện nay không hoàn toàn tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ, thậm chí vì lợi nhuận mà cố tình làm, gây ra những vụ việc tai nạn kinh hoàng.
 
Theo một số chuyên gia về vật liệu nổ, hầu như số bom, đạn, vật liệu nổ còn tồn sót sau chiến tranh đều đã được kích hoạt các cơ chế hoạt động gây nổ, song, vì một lý do nào đó, cơ chế kích nổ gặp trục trặc, chưa gây nổ. Mặc dù đã trải qua một thời gian dài vùi sâu dưới lòng đất, cát, nhưng chúng vẫn cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Do đó, người dân cần đặc biệt lưu tâm, cảnh giác, không được lấy, nhặt, cưa, phá bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn. Chính quyền các địa phương cần tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh những hậu quả đáng tiếc.
 

Hồng Lĩnh/GĐTE