Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện công tác ATVSLĐ

(Dân sinh) - Trong những năm qua, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được các cấp, ngành tỉnh Bắc Ninh cùng doanh nghiệp đặc biệt chú trọng thực hiện.

Hàng năm công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện, tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động cho nhiều nhóm đối tượng được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm, từ năm 2016 đến năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức 17 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và ATVSLĐ cho khoảng 2.400 người sử dụng lao động và người lao động của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tổ chức 12 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 1.306 người lao động, người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại 74 doanh nghiệp;

Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện công tác ATVSLĐ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tổ chức 15 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 1.128 người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động không theo hợp đồng lao động; Tập huấn xây dựng mô hình quản lý ATVSLĐ cho 150 doanh nghiệp, từ đó, chọn ra 40 doanh nghiệp tiến hành hỗ trợ xây dựng hệ thống và áp dụng hiệu quả mô hình quản lý ATVSLĐ; Triển khai áp dụng các hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và làng nghề tại phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn) và CCN Phú Lâm; hằng năm tổ chức hội nghị nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ cho khoảng 160 cán bộ của các Sở, ban, ngành liên quan, cán bộ phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường, thị trấn.

Mặc dù công tác bảo đảm ATVSLĐ được chú trọng nhưng nguy cơ mất ATVSLĐ vẫn luôn thường trực, bởi vẫn còn có những doanh nghiệp chưa dành sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này, nhiều lao động vẫn thờ ơ với sức khỏe cũng như tính mạng của mình. Cụ thể, năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 236 vụ tai nạn lao động khiến 239 người bị nạn, trong đó 21 người chết, 59 người bị thương nặng.

Một trong những hạn chế của công tác bảo đảm ATVSLĐ là công tác thanh kiểm tra về công tác ATVSLĐ hàng năm còn ít, chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra về pháp luật lao động. Hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ nhiều nơi chưa cao, nhất là tuyến huyện, xã; triển khai công tác ATVSLĐ tại các làng nghề hiệu quả chưa rõ rệt. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và tổ chức công đoàn cơ sở chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác ATVSLĐ, có đơn vị thực hiện không nghiêm việc kiểm định, khai báo máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Một bộ phận người lao động ý thức chấp hành quy định về ATVSLĐ kém, chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn...

Trước thực trạng trên, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt các quy định của Nhà nước như: Luật ATVSLĐ, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt quy định về ATVSLĐ. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực bảo đảm ATVSLĐ, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Tập huấn nâng cao năng lực cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn lao động hoặc nhân sự tại doanh nghiệp; biên soạn và phát hành các tờ rơi tuyên truyền về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh triển khai các Nghị định về thi hành Luật ATVSLĐ; giám sát tình hình bảo đảm ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công tác ATVSLĐ, khai báo máy, thiết bị vật tư theo đúng quy định của pháp luật…

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động; chủ trì và phối hợp với cơ quan chức năng liên quan… tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ nhất là các doanh nghiệp có yếu tố công việc nặng nhọc, độc hại. Việc thực hiện tốt công tác công tác ATVSLĐ sẽ góp phần bảo vệ người lao động, đồng thời thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng cần có sự chung tay của chính người lao động trong việc tuân thủ nội quy, quy trình làm việc góp phần giảm thiểu tình trạng mất ATVSLĐ.