Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dạy trẻ cư xử như một "quý ông"

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con luôn luôn tôn trọng người khác và phải cư xử đúng mực như một quý ông. Tuy nhiên, cần dạy trẻ cách cư xử như nào để trở nên lịch sự hơn trong cuộc sống?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không cần thiết phải quá lý thuyết hoặc giáo điều khi dạy trẻ. Trẻ em thường học bằng cách quan sát và bắt chước. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần phải làm một tấm gương sáng cho con để con học tập. Việc cha mẹ luôn tôn trọng lẫn nhau chính là cách hay nhất để truyền đạt cho con về những cử chỉ và sự tử tế cho con. Từ đó, trẻ có thể giao lưu, tiếp xúc với bạn bè và những người xung quanh theo cách mà chính cha mẹ mình đã làm.

Không những thế, những cuốn sách dạy về cách cư xử lễ phép và đúng mực sẽ là một con đường chỉ dẫn cho trẻ để trẻ tự thấm nhuần những phép tắc xã giao.

Nhiều bậc phụ huynh nóng nảy mà mắng con, thậm chí đe dọa con trong khi dạy con về những phép tắc mà con cần phải tuân theo. Việc này sẽ khiến con sợ và không hề muốn tuân theo những chỉ dẫn của cha mẹ. Vì thế, hãy kiểm soát hành vi và cảm xúc của bản thân trong khi dạy con.

Vậy dạy con lễ phép và cư xử chuẩn mực sao cho đúng?

1. Dạy con cảm ơn và xin lỗi

“Tiên học lễ, hậu học văn”, câu nói quen thuộc của ông cha để lại mà vẫn luôn đúng trong mọi thời đại. Việc đầu tiên mà trẻ cần phải học là biết nói lời cảm ơn mỗi khi mà cha mẹ làm một việc gì đó cho con và con cũng phải biết nhận lỗi mỗi khi có sai sót.

Để con biết nói lời cảm ơn và biết nhận lỗi, chính cha mẹ cũng phải thực hiện hàng ngày để con cảm nhận được những lời nói lịch sự của cha mẹ. Đừng ngại nói lời cảm ơn hay xin lỗi trước mặt con, vì chính cha mẹ là người ảnh hưởng trực tiếp tới những tính cách cũng như cách xư xử của con cái. Hãy cho con thấy rằng việc nói cảm ơn là rất quan trọng và nhận lỗi mỗi khi làm sai cũng thế.

2. Cách cư xử trên bàn ăn

Nhiều trẻ em không hề biết giữ phép tắc khi ngồi trên bàn ăn mà thay vào đó, trẻ sẽ nghịch ngợm và quậy phá bằng những trò như gõ thìa, đũa vào bát và cố và gây ra những âm thanh khó chịu hay nghịch một món đồ gì đó và khiến cho bàn ăn trở nên bừa bộn.

Để giải quyết vấn đề này, hãy tạo một buổi tối trang trọng vào một ngày trong tuần và thông báo với cả nhà phải diện đồ thật đẹp. Hãy để cho trẻ cảm thấy ngạc nhiên và tại bữa ăn, giúp trẻ hiểu được những cách cư xử phù hợp khi ngồi trên bàn ăn đông người. Từ đó, trẻ sẽ dần thích cách ăn uống như vậy và thay đổi dần cách cư xử trên bàn ăn.

Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường không thích những mệnh lệnh như ngồi yên trong cả bữa ăn. Hãy bắt đầu với những yêu cầu nhỏ và từ đó bắt đầu nâng dần độ khó của các yêu cầu.

3. Vệ sinh

Thói quen rửa tay, đánh răng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi... là những nguyên tắc vệ sinh cơ bản cần thiết và nên dạy trẻ sớm thông qua việc lặp đi lặp lại và thực hiện như một thói quen. Phụ huynh có thể bắt đầu dạy cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ tầm quan trọng của việc vệ sinh cơ bản bằng cách giúp trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi.

Tuy nhiên, trong độ tuổi từ 6 đến 9 tuổi, hãy để con tự làm mà không có sự giúp đỡ. Trẻ sẽ quen dần và sẽ tự làm mà không cần cha mẹ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

4. Đón khách đến chơi

Nhiều trẻ thường không thích có sự hiện diện của người lạ tại nhà. Hãy giúp con đón khách mỗi khi có người đến chơi bằng cách tổ chức một trò chơi nho nhỏ như đóng kịch chẳng hạn. Cha mẹ hãy dạy con cách tiếp khách cơ bản như mời khách vào nhà và rót nước. Sau đó, hãy thử nhập vai vào những vị khách đến nhà và bấm chuông cửa. Sau đó, để trẻ đón cha mẹ vào nhà và thực hành những gì đã được dạy.

Khi các trẻ đã thành thạo điều này, các con sẽ sẵn sàng các kỹ năng, trước tiên là với với các thành viên trong gia đình và cuối cùng là những người khách lạ mặt ngẫu nhiên đến chơi.

5. Đợi đến lượt nói

Để dạy con không tranh lời với người khác, hãy làm gương trước cho con bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng với con và đợi con nói hết. Bên cạnh đó, đối với trẻ 4 đến 5 tuổi, hãy sử dụng tín hiệu mỗi khi cha mẹ nói xong để con biết rằng đã đến lượt con nói hay chưa. Việc sử dụng tín hiệu cho con nói là một cách làm trực quan cho trẻ hiểu rằng việc đợi người khác nói là rất quan trọng.

6. Không dễ dàng mua đồ cho trẻ tại cửa hàng

Khi cùng cha mẹ đi mua hàng, nhiều trẻ thường nhõng nhẽo, thậm chí la hét và đòi mua bằng được món đồ mình thích. Giải pháp cho các bậc phụ huynh là hãy giới hạn một khoản tiền nhỏ để con tự biết phân tích nên mua món đồ gì tại cửa hàng. Việc phân cho con một món tiền nhỏ sẽ giúp con vừa học được kĩ năng quản lý tài chính, vừa giúp con tự chịu trách nhiệm với món đồ mình mua.

7. Lòng tốt

Một mẹo nhỏ giúp con tôn trọng, đồng cảm với người khác là hãy hỏi trẻ hôm nay con làm được những việc tốt gì. Bên cạnh đó, hãy kể những câu chuyện về lòng tốt và cách cư xử văn minh cho con trước khi đi ngủ để con tự tạo cho mình một thói quen làm việc tốt hằng ngày.

8. Tự dọn đồ của mình

Để trẻ có một lối sống gọn gàng, ngăn nắp, việc cần làm là phải giúp trẻ gọn gàng ngay từ nhỏ. Có lối sống gọn gàng sẽ giúp con trở nên ưu tú hơn hầu hết những đứa trẻ khác ở trường hoặc thậm chí là trong tương lai. Nếu sắp đến thời điểm chiếu một bộ phim yêu thích của con, hãy yêu cầu con cất gọn đồ chơi hoặc thu dọn đồ đạc của mình mà con đã bày ra từ trước. Nếu con không dọn thì tất nhiên con sẽ không được xem phim như ý muốn.

9. Nói chuyện lịch sự

Nếu trẻ có bất kì một biểu hiện nào về việc nói tục, hãy ngồi xuống và bình tĩnh giúp con nhận ra rằng nói tục là không tốt. Cha mẹ có thể yêu cầu con tự suy nghĩ xem nếu có bất kì ai gọi mình với thái độ như vậy hoặc thậm chí chửi mình với những từ ngữ như thế thì bản thân cảm thấy như thế nào. Việc dạy con không chửi thề và nói tục khá khó khăn, tuy nhiên phụ huynh cần phải kiên nhẫn và phải luôn nhớ rằng không một quý ông nào nói tục cả.