Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dạy và học môn lịch sử nhìn từ nước Đức

Đức là nhà nước liên bang và mỗi bang lại có những quy định khác nhau về việc dạy và học môn lịch sử.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, điểm chung thì đây vẫn là môn học bắt buộc đối với học sinh từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, dù việc khởi đầu và thời lượng của môn học này có thể có sự khác nhau theo lớp, theo loại hình đào tạo và theo từng bang.   

Theo một cuộc khảo sát với khoảng 1.000 công dân Đức trên 14 tuổi và 500 học sinh do Viện Körber thực hiện, 95% người Đức đánh giá việc học sinh học môn lịch sử ở trường là điều "rất quan trọng" hoặc "quan trọng". Hầu hết các ý kiến muốn có những bài giảng cho phép học sinh nghiên cứu kỹ về nội dung (93%) và có thể rút ra những bài học cho hiện tại (92%).

Ở một mặt khác, cuộc khảo sát nêu trên cũng cho thấy có trên một nửa (56%) số học sinh được hỏi bày tỏ quan tâm hoặc rất quan tâm tới môn học này. Các em đánh giá chất lượng các tiết học lịch sử là khá tốt. Có 75% số học sinh được hỏi nói rằng nội dung trong các bài học được trình bày một cách rõ ràng và dễ hiểu, 69% nói các chủ đề thú vị và đa dạng đã được đưa vào bài học, trong khi 66% đánh giá các giáo viên môn lịch sử đã khơi dậy được sự quan tâm của các em đối với các chủ đề được đề cập.

Trong thực tế, hiện nay ở các trường học tại Đức cũng như một số nước, việc dạy và học môn lịch sử là vấn đề gây nhiều tranh luận, nhưng đó chủ yếu là tranh luận về cách thức giảng dạy, chứ không phải lựa chọn bỏ hoặc nên hay không nên coi đây là nội dung bắt buộc trong nhà trường, dù số tiết học không nhiều, thậm chí có nơi ghép lồng vào những môn học khác, nhất là đối với các hệ thống không phải trường chuyên. Tại Đức, cứ hai năm một lần, những người có trọng trách lại tiến hành Hội nghị lý luận dạy học môn lịch sử với sự tham dự của hàng trăm đại diện từ các trường học trên cả nước để thảo luận về tình trạng hiện tại cũng như tương lai của môn học này.

Các đại biểu thảo luận về cách thức giảng dạy môn lịch sử trong thế kỷ 21 như thế nào, nội dung ra sao, với những kiến thức gì và quan trọng là tìm ra hình thức hiệu quả nhất để truyền tải kiến thức tới các em học sinh. Theo ông Sven Tetzlaff, người phụ trách mảng giáo dục tại Viện Körber, những người trẻ tuổi có thể trở nên nhiệt huyết với lịch sử hơn khi môn học liên quan đến họ và cuộc sống của họ. Do vậy, các tiết học lịch sử phải tạo ra được sợi dây liên kết này. Ông Tetzlaff cho rằng, lịch sử sẽ ngày càng được dạy nhiều hơn ngoài môn học theo tên gọi của nó, song đây sẽ là điều không dễ dàng với những giáo viên không được đào tạo chuyên về lịch sử khi phải dạy sử trong một môn lồng ghép.

Tại Đức, môn lịch sử được giảng dạy từ bậc trung học cơ sở tới trung học phổ thông, chỉ khác nhau ở số tiết học và hệ chuyên hay thực nghiệm. Tùy theo chương trình đào tạo ở mỗi bang mà môn sử được dạy từ lớp 5, nhưng đa phần là từ lớp 6 (cá biệt bang Rheinland-Pfalz từ lớp 7) cho đến lớp 9, lớp 10 hoặc đến lớp 12, lớp 13. Đây cũng là nội dung bắt buộc với học sinh, với số tiết học trung bình là 1-2 tiết/tuần, tăng lên 2-3 tiết đối với những năm học cuối trung học phổ thông. Đây là thống kê ước lệ, bởi ở một số bang, môn sử được dạy tích hợp nên rất khó có được con số cụ thể.

Các chương trình giảng dạy ở cấp trung học cơ sở vẫn theo cách tiếp cận theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ thời tiền sử. Các chủ đề mới được thêm vào thay cho một số chủ đề cũ, chẳng hạn trong thời kỳ cận đại, thương mại của Tam giác Đại Tây Dương (Âu-Mỹ-Phi) được xem là phổ biến hơn so với lịch sử Đế chế. Nội dung của thế kỷ 19 được cắt giảm để có thể bổ sung các chủ đề quan trọng ở thế kỷ 20, trong khi nhiều trường trung học phổ thông cũng lựa chọn phương pháp "lát cắt dọc" để dạy sử, có nghĩa không đi theo trình tự thời gian và một chủ đề sẽ được dạy ở các thời đại khác nhau, chẳng hạn như chủ đề chiến tranh/hòa bình.

Nhìn chung, việc học sử ở Đức không nặng nề quá về số liệu và mốc thời gian, mà mỗi cấp học tập trung vào một số chủ đề chính, sau đó có thể mở rộng sang những chủ đề khác ít quan trọng hơn. Chẳng hạn môn sử lớp 5 ở trường chuyên Dietrich-Bonhoeffer-Gymnasium (bang Niedersachsen) chỉ học 4 chủ đề là thời kỳ đồ đá, văn hóa Ai Cập, thế giới người Hy Lạp và Đế chế La Mã. Bên cạnh đó là cập nhật những sự kiện quan trọng mới. Lớp 11 ở trường chuyên Dietrich-Bonhoeffer-Gymnasium cập nhật các chủ đề như bước chuyển lịch sử sau sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ, và Afghanistan trong chính sách lợi ích toàn cầu.

Một điểm chung nữa là học sinh được đi thực tế rất nhiều, nhất là vào các viện bảo tàng và các địa điểm lịch sử liên quan tới chủ đề học, điều sẽ giúp cho chủ đề cần truyền thụ đến gần hơn và thú vị hơn đối với các em. Tại Berlin, môn sử không có tên gọi riêng ở lớp 5 và lớp 6 mà được lồng ghép cùng với môn địa lý và giáo dục chính trị, gọi chung là môn Khoa học xã hội (GeWi), giống như trường hợp đối với môn Khoa học tự nhiên (NaWi). Với việc kết nối giữa các môn học, nội dung giảng dạy tách biệt trước đây được ráp lại với nhau như những mảnh ghép để tạo thành một tổng thể lớn. Từ lớp 7, môn sử được "trả lại" tên riêng, song chương trình giảng dạy cũng được đổi mới, ít nội dung hơn, nhiều sự liên kết hơn, trong đó nhiều trường sử dụng phương thức giảng dạy "lát cắt dọc" với một số chủ đề bắt buộc.

Trở lại cuộc khảo sát nêu trên của Viện Körber, cứ 10 học sinh được hỏi thì có 4 em không biết Auschwitz là gì, chỉ có 59% số học sinh trên 14 tuổi biết đây là trại tập trung của Đức Quốc xã. Con số này thậm chí giảm xuống còn 47% với những học sinh từ 14-16 tuổi. Đây thực sự là hồi chuông báo động liên quan tới hiểu biết của học sinh về lịch sử, nhất là với những chủ đề lớn như chủ nghĩa dân tộc/Đức Quốc xã/nạn thảm sát người Do Thái,... Lỗ hổng kiến thức làm dấy lên nghi ngờ rằng việc giảng dạy môn lịch sử trong trường học đang có vấn đề.

Có thể thấy, việc dạy và học môn lịch sử ở hệ thống trường chuyên trên cả nước Đức vẫn khá tốt, nhưng ở một số bang không còn quy định coi môn lịch sử là môn độc lập, mà ngày càng nhiều nơi kết hợp với môn địa lý và chính trị, và "người lái đò" đôi khi lại là giáo viên không phải đã nghiên cứu sâu về lịch sử, điều sẽ rất dễ dẫn tới hiện tượng những đề tài lịch sử khó bị "né" hoặc bị "đẩy ra ngoài lề". Nhiều chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi "sốc lại" việc dạy và học môn lịch sử, trong đó các trường phải bố trí đủ tiết học với sự chuyên nghiệp cao; quan tâm hơn nữa tới mong muốn của học sinh và liên kết lịch sử với môi trường sống hiện tại của các em, đẩy mạnh vai trò của lịch sử trong giáo dục chính trị-lịch sử,...

Nhiều chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm không biết lịch sử sẽ khó có thể hiểu được hiện tại, hơn thế, lịch sử cũng là hành trang cho tương lai. Học lịch sử, ngoài có được nhãn quan lịch sử, còn hình thành được rất nhiều kỹ năng thực tế phong phú và có giá trị cho các hoạt động của bản thân, có thể tiếp cận giải quyết nhiều vấn đề từ góc độ lịch sử. Ngoài ra, người có kiến thức tốt về lịch sử sẽ là người có hiểu biết sâu rộng về các nước, các nền văn hóa, văn minh và đó chính là những cánh cửa mở ra với thế giới. Với mỗi cá nhân, việc có hiểu biết về lịch sử, nhất là lịch sử hào hùng của dân tộc, sẽ góp phần hun đúc lòng tự hào và đó cũng là chất keo gắn kết với quê hương, đất nước.