Với bà Thanh, chết là hết, nhưng nếu đem thân xác mình hiến cho khoa học để phục vụ cho sự sống thì cái chết đó thật sự có ý nghĩa.
* Món nợ ân tình
Theo lời bà Thanh, gần chục năm trước, gia đình bà rất nghèo. Chồng bà đi làm nay đây mai đó, thu nhập lại bấp bênh, bản thân bà hay đau bệnh nên nhiều lúc bà gần như suy sụp vì quá bế tắc. Nhưng cũng chính những lúc khốn khó ấy, bà lại nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của chòm xóm, của xã hội. Họ giúp miếng ăn qua ngày và cho “cần câu cơm” để gia đình bà tồn tại, vượt khó. cảm động trước tấm chân tình của mọi người, bà Thanh luôn tự nhủ sẽ cố gắng sống tốt, sống có ích cho xã hội. Bà Thanh nói: “Nhiều hôm tôi trằn trọc suy nghĩ về việc làm thế nào để trả ơn cuộc đời. Tôi đã nhận quá nhiều tình, nghĩa của mọi người, nên muốn báo đáp lắm”.
Rồi tình cờ bà Thanh xem được chương trình truyền hình nói về việc hiến xác cho nghiên cứu y khoa. Lúc ấy, một ý định đã lóe lên trong đầu, nhưng bà không vội chia sẻ với mọi người vì còn nhiều nỗi đắn đo. Bà Thanh cho biết: “Lúc mới nghĩ đến chuyện hiến xác tôi cũng sợ lắm. Cứ nghĩ đến chuyện người ta mổ, thí nghiệm trên cơ thể mình tôi lại thấy sợ. Sau đó nghĩ lại, tôi tự trách mình nghĩ lung tung, chết rồi biết gì nữa đâu mà lo, mà sợ”.
Không giống như bà Thanh, ông Bùi Thế Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Trảng Dài, làm đơn xin tự nguyện hiến xác, nhằm để thay đổi suy nghĩ của nhiều người về việc hiến xác. “Ai cũng giữ quan điểm chết thì phải chôn cất thì lấy đâu ra xác để phục vụ nghiên cứu khoa học, y học. Tư duy này phải thay đổi thì xã hội mới có thể phát triển được” - ông Khánh cho biết.
Trong khi đó, bà Lê Thị Lệ (ngụ khu phố 4, phường Trảng Dài) cho biết: “Năm 2012, khi nghe tin chồng tôi tình nguyện hiến xác sau khi chết, tôi và các con đã cực lực phản đối. Tuy nhiên, sau khi nghe chồng và những người ở Hội Chữ thập đỏ địa phương thuyết phục, tôi đã hiểu ra tính nhân văn của việc làm này. Sau đó, tôi cùng với chồng đăng ký tình nguyện hiến xác và trở thành một trong 10 người đầu tiên trong tỉnh tình nguyện hiến xác. Người ta có tiền thì quyên góp làm từ thiện, mình không có tiền thì hiến xác, chết rồi cũng trở về với cát bụi thôi. Ai cũng phải chết, nhưng chết mà vẫn giúp đời và trả ơn được cuộc đời thì lòng thấy thanh thản vô cùng”.
* Mong giúp lại cho đời
Không chỉ tham gia hiến xác, ông Khánh, bà Thanh… còn đi giải thích, khuyên nhủ người khác cùng hưởng ứng với việc làm của mình, nhưng không phải ai cũng hiểu và sẻ chia với công việc họ đang làm. “Nhiều người chưa hiểu rõ việc hiến xác để giúp khoa học nên chúng tôi đi tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Không ít người còn suy nghĩ chết mà đem ra mổ xẻ là tội lỗi, bất kính với người chết…” - bà Thanh chia sẻ.
Ông Phạm Văn Hùng (ngồi giữa) Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Biên Hòa trao đổi về nghĩa cử cao đẹp hiến xác tình nguyện với ông Bùi Thế Khánh và bà Phan Thị Thanh. |
Còn ông Khánh, sau khi đăng ký hiến xác đã về nhà động viên vợ cùng tham gia. Lúc đó, ông vấp phải sự phản đối dữ dội của gia đình, nhưng sau đó chính những người phản đối gay gắt nhất lại là người ủng hộ ông nhiều nhất. “Cha mẹ tôi già rồi, họ bảo chết mà không có mồ yên mả đẹp sẽ tội lắm. Đến khi tôi đọc nhiều bài báo nói về việc hiến xác cho họ nghe thì họ xúc động và nói sau này sẽ làm đơn xin hiến xác” - ông Khánh nói.
Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Biên Hòa, cho biết hiện toàn tỉnh có 97 trường hợp tham gia hiến xác, trong đó TP.Biên Hòa có 33 người. Về cấp phường (xã), hiện phường Trảng Dài đang có tỷ lệ người đăng ký hiến xác cao nhất (10 người). Nguyên nhân chính là do nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền; họ xung phong, làm gương và đi đầu trong việc hiến xác nên khi thuyết phục người dân sẽ dễ dàng hơn. |
Để vận động được nhiều người đăng ký hiến xác cho khoa học, ông Khánh và các cộng sự của mình còn phô tô nhiều mẫu đơn để ở nhà và ở cơ quan cho mọi người biết, tham gia. Đi đến đâu, ông cũng mang theo thẻ hiến xác của mình để chứng tỏ cho mọi người thấy ông không phải là người đứng ngoài cuộc. Tiếng lành đồn xa, khi nghe thông tin hiến xác của gia đình ông, nhiều người cũng không còn ngần ngại nữa. “Mình nợ cuộc đời nhiều thì phải trả thôi, chứ ôm nợ hoài chết sao nhắm mắt được” - ông Khánh tâm sự.
Còn bà Lệ, sau khi đăng ký hiến xác đã tham gia tuyên truyền về việc hiến xác. Bà cho biết: “Nhiều người hỏi tôi làm việc này có đem lại lợi lộc gì không? Nói thật, đã làm tự nguyện thì chỉ mong được giúp ích được cho đời”.
Câu chuyện giữa chúng tôi đang còn dang dở thì bà Lệ vội xin tạm dừng để kịp giờ đến nhà một người dân trong phường để giải thích cho gia đình người ta đừng quá căng thẳng về việc đăng ký hiến xác. Ông Khánh cũng có điện thoại hỏi về các thủ tục đăng ký hiến xác nên họ đành chào tạm biệt chúng tôi để vào công việc. Trước lúc chia tay, ông Khánh tranh thủ chia sẻ: “Con người sống nay chết mai, chết rồi cũng trở về với cát bụi. Biết vậy thì cớ sao không để cái chết của mình làm khởi đầu cho sự sống”.