Theo đó, việc xét, công nhận, công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thường xuyên, liên tục hàng năm, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Các xã, huyện sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thì tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh xét, công nhận và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thủ tướng Chính phủ xét, công nhận và công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để nợ đọng xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ không được xét đạt chuẩn nông thôn mới. ảnh:IE
Điều kiện công nhận, xã đạt chuẩn nông thôn mới, phải đảm bảo 3 điều kiện: 1 - Có đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới và được UBND cấp huyện đưa vào kế hoạch thực hiện; 2 - Có 100% tiêu chí thực hiện trên địa bàn xã đạt chuẩn theo quy định; 3 - Không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Với huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phải đảm bảo 4 điều kiện: 1 - Có đăng ký huyện đạt chuẩn nông thôn mới và được UBND cấp tỉnh đưa vào kế hoạch thực hiện;2 - Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định; 3 - Có 100% tiêu chí huyện nông thôn mới đạt chuẩn theo quy định; 4 - Không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phải đảm bảo 3 điều kiện: 1 - Có đăng ký thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và được UBND cấp tỉnh đưa vào kế hoạch thực hiện; 2 - Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định; 3 - Không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí trên địa bàn để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên cơ sở quy định tại Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
Một xã đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang. ảnh:IE
Mức đạt chuẩn của từng tiêu chí trên địa bàn huyện để xét, công nhận huyên đạt chuẩn nông thôn mới trên cơ sở quy định tại Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trước đó, theo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: đến đầu năm 2016 số nợ đọng xây dựng nông thôn mới là hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực nợ cao nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng...