Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về năng suất lao động, về phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, các vấn đề về bảo hiểm xã hội...
Về câu hỏi của đại biểu Trần Quốc Quân (Long An), về tình hình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm, các giải pháp cụ thể, căn cơ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, tình hình chậm đóng bảo hiểm thì như ban đầu đã báo cáo, số tiền chậm đóng và trốn đóng là 8,5 tỷ và cho đến nay số còn chậm đóng thực ra còn khoảng hơn 3.000 tỷ.
Còn 206.468 người bị ảnh hưởng do chậm đóng này đều được kết nối và đều đang được giải quyết chính sách theo đúng quy định là đóng đến đâu, thu đến đâu thì ghi nhận và giải quyết chính sách đó.
“Còn bây giờ để giải quyết triệt để vấn đề này thì chắc chắn chúng ta phải xử lý bằng các giải pháp cụ thể, trước hết là phải sửa luật. Thứ hai là quy định các hành vi xử phạt rất nghiêm minh”, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.
Hôm nay tôi báo cáo trước Quốc hội thế này, đến thời điểm này chỉ còn 2,91% chậm đóng và chậm đóng ở đây, nếu chậm đóng 1 tháng thì đều đã bị phạt rồi, và thông thường chậm đóng chủ yếu do công tác kiểm tra, rồi công tác thu, chi của cơ quan chức năng chưa đến nơi đến chốn.
Về phía cơ quan chức năng, Bộ trưởng thông tin, “chúng tôi đã chấn chỉnh cùng với cơ quan chức năng thời gian tới phải làm tốt hơn việc này, đồng thời phải tăng các hình thức xử lý. Không sợ chậm nộp mà sợ nhất là trốn đóng, vì chậm nộp thì sẽ nộp, có thể bị phạt lãi thôi”.
Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu câu hỏi, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội gây hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động, theo báo cáo có 206.468 người. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên, giải pháp khắc phục là gì?
Cùng quan tâm đến vấn đề bảo hiểm xã hội, đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp nào để thu hồi toàn bộ số tiền nợ đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội và tuyên bố phá sản nhằm để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động?
Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy hỏi việc trốn đóng bảo hiểm xã hội thì nguyên nhân như thế nào và triển khai ra sao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến hết năm 2022 thì cả tình trạng chậm đóng, trốn đóng, cộng cả lãi và gốc là 8.560 tỷ, so với năm 2021 tăng khoảng 2,69%.
Trong đó có khoảng 26.670 doanh nghiệp và đơn vị chậm đóng và cũng có một bộ phận trốn đóng nhưng phần đa phần là chậm đóng, do đó đã ảnh hưởng tới trên 206.000 người lao động.
Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã phải điều chỉnh các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho 206.000 này. Đến nay, cơ bản là số đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng bởi chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản. Có mấy nguyên nhân, một là doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng, cá biệt thì có đơn vị cố tình chậm và trốn đóng.
Về vấn đề này, chúng tôi đã triển khai các biện pháp cụ thể, vừa qua chỉ đạo cho bảo hiểm xã hội thực hiện một nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì chúng ta thực hiện chế độ, chính sách đến đó.
Cũng có 1 giai đoạn, thí dụ như người lao động mất 2 - 3 năm bị ngắt quãng thì bảo hiểm không tính chế độ cho người lao động, chúng tôi không đồng ý chỗ đó, tạm thời ghi lại đến mức độ đó và tiếp tục giải quyết chính sách cho người lao động.
Do đó, hiện nay 206.000 trường hợp này đã được giải quyết về chính sách, không còn điều gì vướng mắc, chỉ còn lại các khoản nợ thì chúng ta tiếp tục phải tính toán để làm sao người lao động không bị ảnh hưởng.
Thứ hai, tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm ở đơn vị mới nếu như chuyển đơn vị mới hoặc bảo lưu khi thôi tham gia.
Thứ ba, về căn cơ, về lâu dài, chúng tôi cho rằng phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay những nội dung này đã được nêu trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội trình kỳ họp tới vào tháng 10.
Bộ trưởng thông tin, sẽ quy định bổ sung rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng, và cho biết thêm, việc trốn đóng hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự, nhưng khái niệm và phạm vi cũng không xác định rõ được. Do đó, hiện nay chưa xử lý được một trường hợp nào. Thí dụ như TP. Hồ Chí Minh, tới 84 đơn để chuyển sang cơ quan điều tra nhưng không xử lý được, vướng hành vi, chưa xác định rõ.
Thứ tư, sẽ áp dụng một số chế tài để trình với Quốc hội trong sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn và hiệu quả hơn như thông lệ quốc tế cho phép. Chẳng hạn người ta có thể dừng hóa đơn trong một thời gian, thậm chí có những quốc gia hoãn xuất cảnh cho những người sử dụng lao động mà không áp dụng, không thực hiện, không chấp hành nguyên tắc này.
“Quy định lại đối tượng và người được khởi kiện về bảo hiểm xã hội không áp dụng như hiện nay nữa, vì hiện nay thực hiện không có hiệu quả”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.