Người lao động cần hướng đến lợi ích lâu dài
Với mục tiêu nhằm giới thiệu, trao đổi những chính sách mới xung quanh Luật Bảo hiểm xã hội mới ban hành, Hội thảo “Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân: Triển vọng và Thách thức”thực sự đã nóng lên với nhiều ý kiến thảo luận được đưa ra từ các đại biểu tham dự.
Theo đó, mặc dù luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) ban hành năm 2014 đến tháng 1/1/2016 mới chính thức có hiệu lực thi hành, một số nhóm quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, tuy nhiên ngay từ khi ra đời, một số điều của Luật quy định đã gặp phải những ý kiến trái chiều từ người lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo
Trong đó, lý do đến từ Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về bảo hiểm xã hội một lần. Nhiều đại biểu cho rằng, sở dĩ người lao động có những phản ứng với điều luật này là do chưa thực sự hiểu rõ bản chất của luật quy định, trong khi thông tin tuyên truyền chưa cụ thể, rõ ràng.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, Luật BHXH đưa ra không chỉ đảm bảo sự công bằng cho người lao động mà còn hướng đến việc an sinh xã hội. Trong quá trình xây dựng luật, quy trình lấy ý kiến, thẩm tra được làm chặt chẽ, việc có những phản ứng từ phía người lao động là điều khó tránh khỏi bởi làm luật vốn rất khó nhưng khi đưa luật vào thực thi trong cuộc sống còn khó hơn rất nhiều.
Ông Lợi cũng cho biết, Điều 60 Luật BHXH không được sự ủng hộ của người lao động chủ yếu ở 2 lĩnh vực ngành giày da và may mặc. Đây là nguồn lao động chủ yếu ở nông thôn lên thành phố làm việc với mong muốn có ít vốn sau thời gian bươn trải để về quê lập nghiệp. Chính vì vậy, nhiều lao động này mong muốn sau khi tham gia đủ thời gian đóng BHXH sẽ làm hưởng chế độ một lần.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Người lao động cần tính đến lợi ích lâu dài. Đóng BHXH với mục đích về già có lương hưu lo cho lúc sức khỏe già yếu, không thể lao động. Vậy tại sao khi còn sức lao động mình lại lấy số tiền của tuổi già. Chưa kể, số tiền người lao động đóng BHXH hàng tháng chỉ đủ chi trả lương hưu trong vòng 8-9 năm, trong khi tuổi thọ của người lao động ngày càng cao, ai sẽ là người trả lương hưu cho người lao động về hưu trong những năm tiếp theo".
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất vẫn nên tôn trọng ý kiến của người lao động, tuy nhiên có hai lựa chọn. Theo đó, nếu người lao động đủ điều kiện nhận một lần muốn hưởng chế độ một lần sẽ chỉ được hưởng chế độ dựa theo 8% số tiền đóng BHXH của người lao động đã đóng. Còn nếu lựa chọn phương án bảo lưu thì sẽ được nhận cả 8% và 14% của chủ sử dụng lao động đã nộp. Như vậy, người lao động sẽ cân nhắc và chọn phương án 2.
Người lao động cần hướng đến lợi ích lâu dài
Thách thức lớn đối với ngành BHXH
Thực tế cho thấy, số người tham gia BHXH trong những năm gần đây đều có tăng, tuy nhiên còn khá thấp, tốc độ tăng chưa đáp ứng được yêu cầu (bình quân chỉ khoảng 5%). Chưa kể số người tham gia BHXH tự nguyện còn quá thấp so với tổng số đối tượng tiềm năng thuộc diện tham gia.
Theo số liệu đưa ra tại hội thảo, tính đến hết năm 2014, tổng số người tham gia BHXH là hơn 11,6 triệu người, tăng 5,34% so với năm 2013. Trong đó, có gần 11,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,16% so với năm 2013, tuy nhiên chỉ có 196.254 người tham gia BHXH tự nguyện.
Bà Đỗ Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết:,tỷ lệ trung bình hàng năm có 500 người ra khỏi hệ thống BHXH, thì có 600 người vào BHXH. Con số này chênh lệch nhau không đáng kể, chính vì vậy, chỉ tiêu đến năm 2020 phải có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, tương đương khoảng 28 triệu người là một thách thức không nhỏ đối với ngành.
Bên cạnh đó, để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục BHXH nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đến hết năm 2015, giảm thời gian thực hiện các giao dịch của doanh nghiệp với cơ quan BHXH xuống còn 49,5 giờ/ năm, (hiện nay là 200 giờ/ năm) tương đương với các nước Asean-6. Đây là một áp lực không hề nhỏ đối với ngành BHXH Việt Nam.
Chưa kể, tình trạng trốn đóng BHXH ngày càng diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương. Bà Đỗ Xuân Phương cho biết, mới đây nhất là trường hợp của Công ty CP xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế Nibelc, chỉ khi xảy ra tai nạn thảm khốc tại Dự án cảng Sơn Dương, Formosa, thì Công ty này mới đến BHXH tỉnh Ninh Bình để đăng ký nộp bổ sung cho 770 công nhân từ tháng 1 đến tháng 3/2015. Tuy nhiên, các công nhân gặp nạn tại công trường không năm trong danh sách lao động được đóng BHXH.
Chính vì vậy, việc tham gia BHXH không chỉ đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người lao động mà còn mang ý nghĩa an sinh xã hội, lợi ích lâu dài đối với cả người lao động và xã hội.