Tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội hoàn tất thực hiện việc cam kết về phòng, chống tệ nạn mại dâm và khiêu dâm, kích dục vào cuối tháng 8. Các phòng LĐ-TB&XH quận, huyện gửi báo cáo về Sở LĐ-TB&XH tổng hợp báo cáo UBND TP. Thông tin trên được nêu trong hội nghị sơ kết về tình hình mại dâm sáu tháng đầu năm 2016 diễn ra ngày 8/7 do Sở LĐ-TB&XH TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng bản cam kết chỉ nhằm nâng cao ý thức cho các cơ sở kinh doanh chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Nhiều đại biểu tham dự đã góp ý để giải quyết tệ nạn mại dâm ngày càng tinh vi.
Thu giấy phép này, chường ra giấy phép khác
“Trước đây gái mại dâm chèo kéo khách tập trung ở những tuyến đường như Trường Sa, cầu Thị Nghè, cầu Bông... thì nay đã giảm và rút vào hoạt động tinh vi hơn ở nhà hàng, nhà nghỉ rồi sử dụng điện thoại liên lạc với khách. Khi kiểm tra, chúng tôi cũng rất khó bắt được tại trận vì thẩm quyền của phòng là chỉ kiểm tra hành chính như giấy phép kinh doanh, lao động, phòng cháy, chữa cháy... nên khi đoàn ở tầng trệt thì lên lầu hai, lầu ba mọi việc đã đâu vào đấy” - bà Trịnh Thị Phương Châm, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 1, nêu khó khăn quản lý tình hình mại dâm trên địa bàn.
Bổ sung thêm, đại diện Sở VH-TT&DL cho rằng Luật Doanh nghiệp thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cần xem xét lại việc cấp giấy phép cho những chỗ từng có vi phạm rồi lại thay tên đổi chủ để xin cấp giấy phép khác.
Đồng tình với Sở VH&TT, ông Trần Văn Ngỡi, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 12, cho rằng hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép cho cơ sở hoạt động các ngành nghề nhạy cảm quá dễ, chỉ cần lên mạng đăng ký là cấp được rồi mà không phối hợp với địa phương nên sẽ không nắm bắt được tình hình của cơ sở đó. “Tấn công ông này thì ông khác ra mặt, có chỗ được cấp hai phép của sở và quận, thu hồi sở thì chường ra của quận” - ông Ngỡi bức xúc.
Gái mại dâm tại cột cơ sở kinh doanh dịch vụ (Ảnh do đoàn kiểm tra cung cấp)
Vi phạm: Vận động dân lấy lại mặt bằng
Tại hội nghị, một trong những câu hỏi được đưa ra là với những cơ sở cam kết mà vẫn vi phạm thì xử lý và quy trách nhiệm cụ thể như thế nào. Ông Lê Văn Khá, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Củ Chi, cho rằng mầm mống phát sinh tệ nạn là dưới xã, phường. Nếu nơi giám sát trực tiếp nếp sống ở cơ sở không quan tâm, phối hợp đồng bộ thì đội kiểm tra liên ngành sẽ bó tay vì đi kiểm tra hai ba điểm chẳng ăn thua gì hết. Do đó, cần đưa ra các biện pháp mạnh như khu vực có mại dâm thì trưởng công an, bí thư phải gánh trách nhiệm như thế nào.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Văn Ngỡi, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 12, cho rằng giao đội kiểm tra liên ngành làm là không nổi, kiểm tra một quán thì đồng loạt mấy chục quán khác đóng cửa hết để đoàn kiểm tra không vô được. Nếu đẩy lùi tệ nạn này thì phải có sự đồng bộ từ cấp quận đến cấp phường mà chủ yếu là lực lượng công an.
Ông Ngỡi dẫn chứng: “Địa bàn quận 12 năm 2014 chỉ có vài quán hớt tóc, cà phê đèn mờ hoạt động trá hình nhưng qua năm 2015 thì mọc san sát ngay quốc lộ. Trước tình hình này, phòng LĐ-TB&XH, phòng VH&TT và công an họp bàn với nhau tổng hợp rà soát các quán có biểu hiện mại dâm, kích dục. Trước hết, chúng tôi vận động tuyên truyền thuyết phục người cho mướn mặt bằng lấy lại mặt bằng. Quán kích dục có mặt bằng nhỏ xíu nhưng cho thuê mỗi tháng 7 triệu, 8 triệu đồng người nào chẳng mê. Nếu không hiệu quả nữa thì tập trung kiểm tra, nếu địa bàn nào còn xảy ra kích dục mà báo chí nêu hay người dân phản ánh thì trưởng công an bị kiểm điểm, điều chuyển cảnh sát khu vực... Nhờ vậy mà những quán đèn chớp chớp cả đêm không còn”.
Một số nội dung doanh nghiệp cam kết chấp hành trong “Bản cam kết về phòng, chống tệ nạn mại dâm và khiêu dâm, kích dục”: - Không sử dụng lao động dưới 18 tuổi làm những công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. - Thực hiện đầy đủ việc đăng ký tạm trú, thông báo tạm trú đối với người lao động được tuyển dụng vào làm việc. - Kiên quyết không để tệ nạn mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác xảy ra tại nơi kinh doanh do mình quản lý. Thực hiện tốt việc đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, thời gian hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. - Khi có đoàn, đội liên ngành văn hóa - xã hội và các cơ quan chức năng của nhà nước đến kiểm tra, làm việc tại doanh nghiệp thì chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải có mặt, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định và hợp tác, cung cấp đầy đủ các loại hồ sơ, chứng từ… theo yêu cầu; nghiêm cấm các hành vi cản trở, đối phó hoặc tìm cách để trì hoãn, tránh né công tác kiểm tra của cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố… ________________________________ Tôi đề nghị nâng mức xử phạt hành chính về hành vi để tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ sở kinh doanh và cần tăng cường kiểm tra. Suy cho cùng thì hành vi vi phạm pháp luật này là nhằm mục đích vụ lợi, nếu dùng hình phạt tiền để điều chỉnh thì tôi tin sẽ hiệu quả. Như ở quận 12, nếu kiểm tra một tiệm mà nguyên dãy nghỉ hết để đoàn kiểm tra không vô được thì cứ kiểm tra để các tiệm kia nghỉ luôn trong vòng một tháng coi mục đích kinh tế không đạt được thì họ tính sao. Các địa phương khi xử phạt vi phạm hành chính thì phải bài bản, đúng thời hạn, thẩm quyền, mức phạt phù hợp thì nếu tái phạm, cơ quan chức năng mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự được. Ông ĐOÀN TẠ CỬU LONG, Phó viện trưởng VKSND TP.Hồ Chí Minh |