Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

"Để mai tính 2", vừa lên sóng đã bị ăn cắp

Ngay sau khi lên sóng truyền hình, phim "Để mai tính 2" đã bị phát tán tràn lan trên các trang mạng.

 

Chưa chiếu đã bị ăn cắp

Tối 29/5, bộ phim Để mai tính 2 đã được phát trên kênh truyền hình K+1 sau hơn 5 tháng ra rạp. Tuy nhiên, tại hội thảo về bản quyền điện ảnh, truyền hình trong khuôn khổ triển lãm Telefilm, diễn ra vào chiều 4/6, đại diện kênh này cho biết bộ phim hiện đã bị phát tán tràn lan trên mạng sau khi lên sóng.

Ngay sau khi phim bị phát tán, K+ đã và liên lạc với YouTube và Dailymotion để gỡ bỏ bộ phim khỏi hệ thống của họ. Tuy nhiên, với những website nhỏ hoặc các trang có máy chủ đặt ở nước ngoài thì việc xử lý rất khó khăn. Hiện 'Để mai tính 2' vẫn còn trên những website kiểu này” - bà Trịnh Thị Thùy Liên, đại diện K+ cho biết. Mặc dù vậy, những thất thoát của Để mai tính 2 so với những bộ phim khác xem ra vẫn còn nhẹ bởi dù sao bộ phim đã rời rạp an toàn với doanh thu cao. Nhiều bộ phim cũng đã rơi vào tình cảnh này.

Ngày nảy ngày nay, Cánh đồng bất tận, Siêu nhân X, Sơn đẹp trai, Chàng trai năm ấy, Bụi đời chợ lớn… mỗi phim lại bị vi phạm một kiểu.Bụi đời Chợ Lớn rò rỉ bản nháp sau ít ngày có lệnh cấm phát hành. Siêu nhân X xuất hiện trên mạng ngay trong ngày ra mắt. Chàng trai năm ấy bị phát tán rộng rãi trong khi phim vẫn còn đang chiếu rạp.

Điều này cho thấy ngoài việc bị khán giả quay lén trong rạp thì các bộ phim còn bị vi phạm bản quyền ngay ở khâu hậu kỳ. Thậm chí, theo một vài câu chuyện bên lề của buổi hội thảo thì nhiều khả năng chính những đối thủ cạnh tranh cũng có thể là thủ phạm ăn cắp và phát tán phim.

 

Cảnh trong phim "Để mai tính"

 

Vỡ nợ vì vi phạm bản quyền

Dù là lý do nào đi chăng nữa thì những người bị thiệt hại nhiều nhất vẫn là những nhà sản xuất, nhà phát hành. Nói về chuyện này, diễn viên Ngọc Hiệp chia sẻ rằng vấn đề bản quyền vẫn luôn là nỗi lo canh cánh của những người làm phim, bởi sản phẩm ra rạp đều có khả năng bị vi phạm bản quyền ngay trong ngày công chiếu, khiến cho nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ mất trắng.

Bà Ngô Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty BHD cũng bức xúc cho biết: “Trong thời gian qua, điện ảnh Việt đã chứng kiến rất nhiều trường hợp vỡ nợ do phim bị vi phạm bản quyền như diễn viên Nguyễn Chánh Tín, hay phim của gia đình cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu…”.

Để ngăn chặn tình trạng này, các nhà làm phim, nhà phát hành… hiện đang có những liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát hiện và đề nghị xử lý hành chính những nơi vi phạm bản quyền. Ngoài ra, các bên còn cùng xây dựng những chiến lược tuyên truyền cộng đồng nâng cao ý thức với sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp được nhắc đến tại buổi Hội thảo chính là làm giảm doanh thu quảng cáo trên các trang web vi phạm. Bởi lẽ, tất cả những website phát tán phim lậu đều tồn tại nhờ nguồn thu từ quảng cáo. Việc này khó nhưng không phải là không thực hiện được vì theo lập luận của các chuyên gia thì không một nhãn hàng nào muốn quảng bá tên tuổi, sản phẩm của mình trên một trang web vi phạm bản quyền.