Lượng giao dịch rút tiền ATM trong dịp Tết tăng cao đột biến. Ảnh: ĐỨC TOÀN
Giao dịch tăng đột biến
Những ngày này, đi qua các địa điểm có đặt máy ATM, điều dễ dàng quan sát thấy nhất đó là số lượng người đến rút tiền đã tăng lên rất nhiều. Trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội), nơi lắp đặt một dãy năm đến sáu máy ATM của nhiều ngân hàng khác nhau, anh Trần Việt Hùng vừa rút thành công số tiền mình cần sau khi chỉ phải chờ một người đến trước. “Tình trạng không rút được tiền đã đỡ nhiều rồi, phần lớn thời gian tôi giao dịch rút tiền tại đây đều nhanh chóng. Thông thường, đầu tháng cơ quan trả lương là tôi ra rút luôn, và đó chắc cũng là thời điểm nhiều cơ quan cùng trả lương cho nên nếu ra rút thì mọi người đều phải chờ. Sắp tới cơ quan thưởng Tết Nguyên đán và tôi chỉ mong lúc ấy các máy ATM vẫn nhả tiền” - anh Hùng vui vẻ cho biết.
Không suôn sẻ như anh Hùng hay phần lớn người dân ở những thành phố lớn, nơi các ngân hàng nhìn chung vẫn “ưu ái” hơn, chị Nguyễn Thị Lan, công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong (Yên Trung, Bắc Ninh) không khỏi “cảm thấy phiền lòng khi nhớ đến những lần chạy đôn chạy đáo khắp mấy cây ATM để rút được tiền”. “Muốn không phải đi xa thì phải xếp hàng lâu, chờ đợi có lần dễ phải đến 20 phút mới tới lượt. Còn muốn không phải chờ, thì lại phải vào trung tâm, cách vài cây số để rút tiền. Mà tôi cũng phải tìm đúng máy ATM mà ngân hàng đang trả lương, chứ rút kinh nghiệm lần trước vì vội cho nên phải rút ở máy ATM khác ngân hàng, thao tác thế nào mà bị nuốt cả thẻ, chưa kể phí rút lại mất hơn ba nghìn đồng một lần” - chị Lan nói thêm.
Tình trạng các máy rút tiền ATM thường quá tải trong dịp Tết vì lượng giao dịch tăng mạnh cũng được chính các ngân hàng thừa nhận. Nếu trung bình một máy ATM trước đây tiếp quỹ một lần/ngày thì vào dịp Tết phát sinh lên hai thậm chí bốn lần, đồng nghĩa với việc một máy trước đây nạp từ một đến 1,5 tỷ đồng/ngày thì giờ có máy phải nạp từ hai đến bốn tỷ đồng/ngày. “Lượng giao dịch tăng đột biến, trung bình một máy ATM xử lý 400 giao dịch/ngày, có nhiều máy phải xử lý đến 600 giao dịch/ngày, tương đương khoảng hơn 2 phút/giao dịch” – một lãnh đạo NHTM đưa ra con số ước tính về tần suất hoạt động của máy ATM trong dịp Tết. Tuy nhiên, cũng theo vị này, “giới hạn đỏ” cũng chỉ đạt được đến một mức độ nhất định bởi quá giới hạn cho phép, về mặt kỹ thuật, các chi tiết, bộ phận của máy không thể hoạt động được. Máy quá tải, quá tần suất, có thể dẫn đến tình trạng mà giới ngân hàng hay dùng cụm từ nhân cách hóa gọi là “kiệt lực”.
Linh hoạt các hình thức thanh toán
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổng số lượng thẻ ngân hàng đã phát hành tính đến thời điểm này là hơn 106 triệu thẻ. Cùng với việc tăng nhanh của số lượng thẻ, lượng máy ATM và máy POS (thanh toán thẻ) cũng tăng không ngừng khi tính đến năm 2016, toàn thị trường đã có hơn 16,5 nghìn máy ATM và hơn 217 nghìn máy POS. Tuy nhiên, điều đáng nói là cho dù Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, thì thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn rất phổ biến. Nhiều con số nghiên cứu cho thấy, có đến gần 90% số giao dịch của các chủ thẻ là rút tiền mặt. “Đó là lý do vì sao đến nay cứ nói đến ATM chúng ta vẫn loay hoay với câu chuyện rút tiền mặt. Rất nhiều các dịch vụ không dùng tiền mặt gắn với hệ thống ATM dường như đã bị lãng quên trong khi mục đích phát triển ATM là kênh giao dịch tự động cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến tài khoản cá nhân và phòng những lúc nhỡ nhàng phải rút tiền mặt, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Chứ thẻ ngân hàng không phải chỉ đơn thuần là rút tiền mặt như hiện nay” - đại diện lãnh đạo ngân hàng Vietcombank chia sẻ.
Riêng đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, tình trạng người lao động đổ dồn rút tiền vào những ngày giáp Tết khiến hệ thống ATM quá tải cục bộ vẫn diễn ra trong những năm gần đây, dù các ngân hàng thương mại đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ATM hoạt động thông suốt. Đề cập đến tình trạng này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Không ít doanh nghiệp vẫn muốn giữ chân người lao động bằng cách đến giáp Tết mới trả lương, thưởng. Trong khi hầu hết người lao động vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt cho nên ngay khi nhận lương, thưởng, họ sẽ tới các máy ATM để rút tiền. Vào một thời điểm nào đó khi lượng lớn người lao động đổ dồn ra ATM rút tiền và gây khó khăn cho hoạt động ATM là điều khó tránh khỏi. Cùng với đó, vấn đề giao thông tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với lượng người lưu thông tăng đột biến cũng là một nguyên nhân khiến cho việc tiếp quỹ, đưa tiền tới các máy ATM bị chậm trễ, gián đoạn.
Để ứng phó với hiện tượng nghẽn ATM thường xảy ra trong dịp Tết, từ nhiều năm nay, ngay khi chuẩn bị bước vào mùa cao điểm, NHNN đều có các văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ phải có các giải pháp kịp thời phòng chống nghẽn và hết tiền trên máy ATM. Cụ thể, nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá cho khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tiền mặt phù hợp. “Tại các tỉnh, thành phố lớn có khu công nghiệp tập trung đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, ngoài việc chuẩn bị tốt hệ thống ATM, chúng tôi yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt nhưng phải bảo đảm an toàn để tránh dẫn đến tình trạng quá tải tại những điểm ATM” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định. Cùng với đó là tăng cường rà soát, kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng ATM, bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM; giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM để bổ sung kịp thời, đáp ứng cao nhất nhu cầu giao dịch tăng mạnh vào thời điểm giáp Tết.