Bộ Ngoại giao cũng đề nghị bổ sung đánh giá tác động về kinh tế, xã hội đối với phương án nâng mức sàn, mức trần biểu khung thuế của xăng trong dự thảo báo cáo. Trước đó, trong dự thảo xin ý kiến sửa đổi, phần đánh giá tác động, Bộ Tài chính chỉ ghi một dòng ngắn gọn: Không có tác động tiêu cực.
Trong góp ý của Bộ Tư pháp, bộ này nhận xét dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế bảo vệ môi trường còn sơ sài; báo cáo đánh giá tác động chưa nêu bật được nội dung của chính sách, không có đánh giá tác động định lượng mà chỉ sử dụng phương pháp định tính, trong khi mức thuế bảo vệ môi trường lại tăng 2,5 lần so với quy định hiện hành.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tài chính đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn, lên gấp đôi quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa. Bởi việc điều chỉnh tăng mức thuế tối thiểu - tối đa trong biểu khung thuế cũng sẽ dẫn đến tăng mức thuế suất cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo, sau 5 năm luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, số thu liên tục tăng ổn định qua các năm từ 2012 - 2016. Nếu 2012 chỉ hơn 11.000 tỉ đồng thì năm 2016 khoảng hơn 42.000 tỉ đồng. Mức tăng đột biến gấp 4 lần, chủ yếu nhờ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được tăng từ mức 1.000 đồng/lít thời điểm 2012 lên 3.000 đồng/lít trong 2016.
Nếu tăng lên 8.000 đồng/lít, ngân sách thu từ thuế xăng dầu sẽ tăng gấp 2 - 3 lần. Hiện nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường chiếm tới 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Dự thảo sửa đổi luật Thuế bảo vệ môi trường dự định trình Chính phủ vào tháng 6 và nếu được chấp thuận sẽ tiếp tục đặt lên bàn Quốc hội khóa 14 tại phiên họp khai mạc vào tháng 10.