Xuất thân “sạch” của các bị can
Bản kết luận xác định nhân thân của 3 bị can trong vụ trọng án đều rất “sạch”, chưa hề có tiền án, tiền sự.
Theo đó, Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới, An Giang; tạm trú xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).
Sau khi học lớp 12 tại quê xong, Dương theo cha lên TP Hồ Chí Minh ở và học Trung cấp công nghiệp tại tỉnh Bình Dương.
Đến năm 2011, đi làm công nhân (thợ mộc) tại công ty của người chú (Công ty TNHH TM T.H., tọa lạc huyện Hóc Môn) và ở cùng với cha ruột.
Bị can Vũ Văn Tiến (tức “Bé”, 24 tuổi, ngụ xã Phú Riềng, Bình Phước). Vốn gốc quê ở tỉnh Cà Mau nhưng cha mẹ lên Bình Phước lập nghiệp nên Tiến cũng đi theo cùng gia đình từ cuối năm 1991.
Tiến học đến lớp 4 thì nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình và học nghề sửa xe máy. Đến năm 2010, Tiến đi làm công nhân (thợ mộc) tại công ty của chú Dương.
Còn Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long, tạm trú phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Thoại học hết lớp 8 ở quê thì nghỉ học và học nghề điện lạnh tại Trường dạy nghề quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh.
Sau đó, Thoại đi làm thuê ở nhiều nơi mưu sinh. Đến tháng 11/2012, Thoại phụ bán quán ăn cho người chị họ tại đường Phạm Văn Đồng, phường 3, quận Gò Vấp. Cả 3 chưa từng có tiền án, tiền sự cho đến khi gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Bị can Nguyễn Hải Dương.
Âm mưu ghê rợn từ… hận tình
Khoảng tháng 10/2013, Dương tình cờ quen Lê Thị Ánh Linh (nạn nhân trong vụ trọng án) qua mạng xã hội (Zalo) khi Linh đang học tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương rồi nảy sinh quan hệ tình cảm yêu đương.
Sau khi giới thiệu với gia đình thì cha mẹ Linh (ông Lê Văn Mỹ và bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga) đồng ý. Từ đó, cứ vào dịp cuối tuần, Dương về nhà Linh chơi.
Đến tháng 2/2015, Dương phát hiện Linh quen người thanh niên khác và biết được nguyên nhân là do ý muốn của mẹ Linh nên cả hai đồng ý chia tay.
Từ đó, Dương đem lòng thù hận mẹ Linh vì nghĩ rằng do bà ngăn cản. Vì vậy, Dương nảy sinh ý định giết Linh và cả gia đình của Linh rồi tự tử.
Để thực hiện âm mưu của mình, Dương chuẩn bị công cụ (mua 1 khẩu súng bắn bi sắt, 1 khẩu súng bắn điện, 1 con dao bấm, găng tay cao su, dây rút, băng keo, dây vải, gậy 3 khúc, bình xịt hơi cay và 1 sim điện thoại rác để liên lạc dụ dỗ anh họ ở chung nhà với Linh là Dư Minh Vỹ mở cửa).
Sau đó, Dương rủ Thoại cùng tham gia với lý do, Dương góp tiền làm ăn khoảng 800 triệu đồng với nhà ông Mỹ nhưng bị quỵt không trả nên phải lên cướp lại. Dương chỉ lấy đủ số đó, còn lại là của Thoại.
Dương cũng cho Thoại biết rằng, Dương đã chuẩn bị súng, dao, …đầy đủ và có Vỹ sẽ mở cửa cho mình vào nhà ban đêm. Lúc đó, bọn chúng sẽ “xử” (tức giết - PV) Vỹ để vào nhà cướp tiền, đồng thời giết hết người trong nhà để diệt khẩu rồi bỏ trốn. Thoại đồng ý và cả hai chở nhau bằng xe máy đến nhà ông Mỹ lúc 2 giờ sáng ngày 5/7 để ra tay.
Dương nhắn tin cho Vỹ ra mở cửa những mãi không thấy ra nên cả 2 quay về nhà trọ (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) để chờ đêm tối tiếp tục đi cướp, giết.
Tuy nhiên, Thoại đổi ý và lấy cớ về quê thăm bà ngoại bị bệnh. Trước khi về quê, Thoại đưa cho Dương 1 con dao Thái Lan do Thoại mua để gây án (sau này, Dương dùng để đâm bà Nga tử vong).
Bị can Vũ Văn Tiến.
Do Thoại không tham gia cùng với mình nên Dương gặp Tiến và rủ Tiến hỗ trợ cho mình với lý do như Dương nói với Thoại nhưng không cho Tiến biết là sẽ giết người diệt khẩu.
Sau đó, Tiến cũng đồng ý hành động cùng Dương và vụ trọng án đã xảy ra khiến 6 người thiệt mạng lúc rạng sáng ngày 7/7 tại Công ty sản xuất chế biến gỗ Quốc Anh (cạnh QL13, thuộc ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) gồm, anh Lê Văn Mỹ (48 tuổi, tức Quốc), chị Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, tức Ánh, vợ anh Mỹ), Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, tức Bi, con gái ông Mỹ), Lê Quốc Anh (15 tuổi, tức Bin, con trai ông Mỹ), Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi, tức Bo, cháu ruột bà Nga) và Dư Minh Vỹ (14 tuổi, tức Bôn, cháu bà Nga). Duy nhất bé gái con út của ông Mỹ là Lê Thị Gia Linh (tức Bé Na, 18 tháng tuổi) còn sống sót.
Đề nghị truy tố tội Giết người và Cướp tài sản
Như vậy, bị can Nguyễn Hải Dương với sự giúp sức của bị can Vũ Văn Tiến đã cố ý thực hiện hành vi đột nhập vào nhà ông Mỹ khống chế, dùng dao đâm lần lượt các nạn nhân dẫn đến tử vong rồi chiếm đoạt tài sản trong nhà ông Mỹ.
Mặc dù trong khi thực hiện, Tiến có ý định dừng lại (trước khi Dương đâm Vỹ, trước và sau khi khống chế Như, sau khi giết Quốc Anh, bà Nga và ông Mỹ) nhưng đó là do Tiến sợ bị phát hiện.
Sau khi Dương nói mang tính chất động viên thì Tiến tiếp tục thực hiện hành vi dùng dây sạc điện thoại siết cổ các nạn nhân rất tích cực. Dương và Tiến tiếp tục giết chết thêm 5 người nữa. Hành vi của Dương và Tiến đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, “Cướp tài sản” quy định tại Điều 93, 133 Bộ Luật hình sự.
Mặc dù Thoại không gây án với Dương nhưng không những không can ngăn Dương thực hiện hành vi phạm tội mà Thoại còn cung cấp hung khí (dao Thái Lan) cho Dương.
Căn cứ Điều 162, 163 Bộ Luật tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước kết luận điều tra vụ án, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại theo tội danh và điều luật trên.
Thượng tá Nguyễn Văn Đợi, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết: “Tất cả các tình tiết trong vụ án đã được làm sáng tỏ. Đến nay cơ quan điều tra đã hoàn tất công tác đấu tranh lấy lời khai 3 bị can và chính thức kết luận về vụ án. Tuy nhiên trong vụ án này, việc đấu tranh đối với từng bị can rất khó khăn. Hầu như từng bị can chỉ thừa nhận nhưng hành vi phạm tội mà cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ. Trong đó việc chứng minh hành vi phạm tội của bị can Trần Đình Thoại là khó khăn nhất. Đây cũng chính là lý do mà quá trình tiến hành phần tố tụng của cơ quan điều tra phải kéo dài hơn dự kiến ban đầu là một tháng rưỡi”. |