Trước đó, ngày 4/12/2022, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kết luận thanh tra số 1209/KL-TTr thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước và việc chấp hành các quyết định của Chủ sở hữu tại HueWaco. Kết luận thanh tra được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo nội dung thông báo, từ khi được thành lập năm 1992 đến nay (tiền thân là Nhà máy nước Huế được thành lập vào năm 1909), nhất là sau khi cổ phần hoá (2016), HueWaco đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đặc biệt đến nay đã cấp nước an toàn cho trên 93% dân số toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, điều hành, công ty vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đã nêu rõ 17 nội dung thiếu sót, vi phạm tại HueWaco. Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại này thuộc về Hội đồng quản trị (HĐQT), Người đại diện vốn Nhà nước tại Công ty, Chủ tịch HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và các cá nhân có liên quan giai đoạn 2017 - 2020.
Một số thiếu sót, khuyết điểm của HueWaco được Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ ra như: ban hành Điều lệ công ty nhưng chưa tham chiếu đầy đủ Điều lệ mẫu ban hành kèm theo các Thông tư của Bộ Tài Chính. Điều lệ không được dẫn chiếu quy định đầy đủ, gây khó hiểu. Cơ cấu thành viên trong HĐQT trong nhiệm kỳ chưa bảo đảm quy định. Các quy chế, quy định nội bộ được ban hành khi trở thành công ty cổ phần còn hạn chế, chưa đảm bảo các quy định của Nhà nước; một số văn bản do Chủ tịch HĐQT ban hành không đúng thẩm quyền theo quy định.
Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ ra việc bầu cán bộ kiêm nhiệm vụ Kiểm soát viên tại HueWaco không đúng quy định; thiếu sót trong việc quản lý tài sản do nhân dân đóng góp, quản lý tài sản nợ theo các quyết định của UBND tỉnh,…Hoàng loạt công trình chưa xác định được nguồn vốn công ty đầu tư trước hay sau khi cổ phần hoá; có 11 dự án HueWaco chưa ghi nhận đầy đủ giá trị tài sản cố định.
Đối với tài sản Nhà nước đầu tư tại HueWaco, công ty này chưa hoạch toán tăng giá trị tài sản theo quy định; giá trị nghiệm thu thanh toán công trình chưa được theo dõi chính xác trên sổ kế toán; chậm lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán. Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế cũng để xảy ra tồn tại, thiếu sót trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, hợp đồng và nghiệm thu thanh toán đối với một số công trình, dự án được đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, HueWaco đã thực hiện đầu tư 2 dự án: “Nuôi trồng nông nghiệp sạch Lộc An” (tại khuôn viên Nhà máy nước sạch Lộc An, xã Lộc An, huyện Phú Lộc) và “Nhà lưới trồng rau tại Nhà máy xử lý Quảng Tế 1 (TP Huế)” không theo đúng các trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đất đai. Dự án được đầu tư xây dựng nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định, hoạch toán kế toán chưa tập hợp đầy đủ và chính xác chi phí để hình thành nên tài sản cố định,…có nguy cơ gây lãng phí vốn đầu tư nếu không có phương án xử lý phù hợp. Đất được sử dụng để thực hiện 2 dự án này không thuộc trường hợp được miễn thuế đất, dẫn đến tiền thuế đất phải nộp lớn hơn so với quyết toán của công ty.
Dự án công trình Nhà để xe đã được HueWaco nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 4/2021, nhưng đến nay, công ty chỉ mới tăng giá trị tài sản đối với phần xây dựng; chưa hạch toán tăng kế toán tăng giá trị tài sản đối với các chi phí liên quan khác. Công tác lập, thẩm tra và phê duyệt dự toán không đúng quy định, dẫn đến thanh toán cho Công ty KANSAI vượt so với quy định 27 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế còn nhượng bán một số vật tư cho đơn vị khác với giá thấp hơn với giá mua vào, gây thiệt hại cho công ty; chưa hoạch toán vào thu nhập khác với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng; hoạch toán không đúng quy định, làm tăng chi phí trong kỳ (2017 - 2021) so với thực tế hơn 41 tỷ đồng, dẫn đến thuế thu nhập doanh nghiệp tăng so với quyết toán của công ty hơn 9,3 tỷ đồng. Công ty này cũng đã khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của các vật tư, chi phí thuê ngoài hình thành tài sản cố định, sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, dẫn đến gia tăng so với kê khai, quyết toán của công ty gần 829 triệu đồng.
Ngoài ra, HueWaco còn công nhận và trả thù lao các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất chưa đúng các trình tự, thủ tục theo quy định; xác định tiền làm lợi do áp úng sáng kiến chưa đảm bảo theo quy định của Chính phủ.
Từ những sai phạm được chỉ ra, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp đối với Chủ tịch HĐQT, Kế toán trưởng và các tập thể, cá nhân có liên quan thời kỳ 2019 - 2021; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, thiếu sót, vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra.
Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế định kỳ hàng năm theo dõi việc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế nộp, hoàn trả vốn nhà nước theo thời gian sử dụng còn lại đối với các công trình đã được nhận nợ nhưng chưa đầy đủ và các công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước từ năm 2017 đến 2021. Đồng thời, đôn đốc HueWaco khẩn trương nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt quyết toán đối với các công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu HueWaco chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, thiếu sót, vi phạm; tập trung giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục những nội dung đã được chỉ ra tại Kết luận thanh tra.
Làm việc với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính để có phương án xử lý đối với diện tích đất thực hiện dự án Nuôi trồng nông nghiệp sạch Lộc An và dự án Nhà lưới trồng rau tại Nhà máy nước Quảng Tế 1; nghiên cứu phương án xử lý phù hợp 2 dự án này, tránh thiệt hại vốn đầu tư.