Những hành vi lăng mạ, hành hung phóng viên là đặc biệt nghiêm trọng. (Nguồn ảnh: Dân trí).
Về quy định nếu không đăng, phát các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến cơ quan báo chí thì phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu như trong dự thảo, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng là không khả thi. "Quy định thế thì cơ quan báo chí nào cũng vi phạm, vì không thể đăng tất cả những gì công dân gửi đến, cũng không thể trả lời từng công dân và nêu rõ lý do không đăng phát.
Báo chí cũng không thể đăng mà không xác minh, dù biết rằng công dân gửi đến đều muốn được đăng để tạo sức ép đến các cơ quan có thẩm quyền", bà Thúy nói.Quan tâm đến sự an toàn của nhà báo trong quá trình tác nghiệp, theo ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), cần có quy định về việc xử lý hình sự đối với các hành vi hành hung nhà báo tác nghiệp. “Ngày càng nhiều vụ việc hành hung nhà báo do quy định vấn đề xử lý còn chung chung, nên chưa góp phần bảo vệ nhà báo trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình”, ĐB Huỳnh Văn Tính thể hiện ý kiến.
Trước ý kiến đề nghị quy định nhà báo trong quá trình tác nghiệp phải được coi là người thi hành công vụ để có cơ chế bảo vệ đối tượng này, UBTVQH cho rằng, công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của xã hội và được pháp luật bảo vệ. “Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng QH Đào Trọng Thi nói.