Đề thi ở câu số 1 đưa ra vấn đề về một bệnh di truyền hiếm gặp do một gen quy định nằm trên nhiễm sắc thể thường cùng với sơ đồ phả hệ yêu cầu học sinh xác định gen trội hay gen lặn.
Trong phả hệ này, 2 cá thể đầu kết hôn và sinh ra người nam bình thường (ở thế hệ II). Người nam ở thế hệ II lại "qua lại" với hai người phụ nữ và cả hai người nữ này đều có con với người nam ở thế hệ II.
Một số ý kiến cho rằng đề thi đưa ra vấn đề như vậy là thiếu tính giáo dục khi yêu cầu tìm kiểu gen của người đàn ông nhưng lại để người đàn ông sinh con với hai người phụ nữ là không thích hợp về mặt xã hội, pháp luật. Như vậy có thể vô tình “tiêm nhiễm” việc vi phạm luật hôn nhân gia đình khi một ông “kết hôn” với hai bà.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản bác lại, cho rằng đề thi một vấn đề khoa học nhằm phục vụ thực tế cuộc sống, đặt ra vấn đề nghiên cứu về bệnh di truyền. Mà ở đó chuyện gì cũng có thể xảy ra, không nên đặt nặng vấn đề văn hoá xã hội mà quan trọng nhất là vấn đề liên quan đến khoa học để nghiên cứu.
Học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu TP HCM
Chưa kể có thể xảy ra tình huống việc một người đàn ông kết hôn với hai người phụ nữ trên thực tế không hề hiếm. Có thể vợ chồng ly hôn, vợ mất, người đàn ông lấy vợ khác thì việc hai bà sinh con với một ông, con cùng cha khác mẹ… không ai cấm và cũng không vi phạm.
TS Trần Bích Thư (Tổ trưởng văn phòng Trường phổ thông Năng khiếu) cho hay hình như mọi người quá nhạy cảm vấn đề xã hội với một đề thi của môn khoa học. Sơ đồ phả hệ trong đề thi không hề thể hiện một ông “kết hôn” với hai bà, nói như vậy là không chính xác. Có thể nhiều tình huống khác như ly hôn, vợ mất… có trong thực tế rất nhiều.
Theo cô Thư, đề thi còn mang tính giáo dục. Có những người đàn ông bình thường như lấy vợ và sinh con bị bệnh thì có thể nghĩ do vợ. Họ có thể nghĩ đến việc tìm đến người phụ nữ khác nhưng chưa chắc đã sinh con bình thường. Sơ đồ đặt ra xác suất bị bệnh của cặp này khi sinh con.
“Sơ đồ giả thiết để học sinh đưa ra lời giải chứ không tập trung vào vấn đề xã hội học”, TS Thư bày tỏ.