Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Để trẻ bị tai nạn thương tích không thể đổ lỗi do thiếu tiền

(Dân sinh) - Theo số liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, trung bình mỗi năm Việt Nam có tới 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Trong đó, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Ngày 13/6, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến "Mùa hè vui và an toàn cho mọi trẻ em". Nói về nguyên nhân tai nạn thương tích trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, tai nạn thương tích trẻ em thường xảy ra ngay trong chính ngôi nhà của trẻ. Trong gia đình, tưởng là môi trường nhưng thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Để trẻ bị tai nạn thương tích không thể đổ lỗi do thiếu tiền - Ảnh 1.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm.

Bàn thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, theo số liệu thống kê, tỉ lệ tai nạn thương tích trẻ em do những nguyên nhân cũ đang giảm chậm và xuất hiện những loại hình tai nạn thương tích trẻ em mới. Thời gian qua, xảy ra khá nhiều vụ trẻ em rơi ngã, đặc biệt ở các khu chung cư hoặc bị động vật cắn. Để bảo vệ trẻ em an toàn, điều quan trọng là cộng đồng và xã hội cũng nên nhắc nhở phụ huynh về việc nâng cao nhận thức phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em: Các phòng tránh và sơ cứu khi trẻ bị bỏng, trẻ bị rơi xuống nước….

"Đây là những kiến thức đầu tiên và cực kỳ quan trong cha mẹ cần trang bị khi có con nhỏ. Những kiến thức nhỏ nhưng vô cùng hữu ích này không chỉ cứu được đứa trẻ mà trong một vài trường hợp, chúng thậm chí còn cứu được chính cả những người lớn. Việc bảo vệ trẻ em không chỉ là việc của Chương trình quốc gia thực hiện trong 5 năm hay 10 năm mà là việc mỗi gia đình, cộng đồng phải làm hàng ngày", ông Nam nhấn mạnh.

Để trẻ bị tai nạn thương tích không thể đổ lỗi do thiếu tiền - Ảnh 2.

Một đoạn sông Trà Bồng (đoạn qua xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) được ngăn lại để dạy bơi cho trẻ.

Ông Nam cho rằng, các gia đình, cộng đồng hay chính quyền không thể lấy lý do nghèo hay thiếu kinh phí để giải thích khi có vụ tai nạn thương tích trẻ em xảy ra. Việc trẻ em bị tai nạn thương tích ngay trong chính gia đình là do sự bất cẩn của người lớn: Ổ điện không an toàn, các loại thuốc thậm chí thuốc độc ở trong tầm tay của trẻ, để nồi canh nóng nay phích nước sôi trước mặt trẻ,….

Tại cộng đồng, việc để những điểm nước sâu nguy hiểm không có biển báo là trách nhiệm của chính quyền địa phương, bởi việc cắm biển báo không tốn kém đến mức không thể thực hiện. Hay việc in các tờ rơi để trang bị kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em để cung cấp cho bố mẹ và trẻ em không tốn quá nhiều tiền.

Ở nhiều địa phương, dạy bơi cho trẻ em không cần thiết phải có bể bơi đẹp, thầy giáo chuyên nghiệp mà những anh chị thanh niên dùng lưới mắt to ngăn một khúc sông hay đưa trẻ ra ao, hồ để dạy bơi cho trẻ là những mô hình hay để các địa phương khác học theo mà không cần nhiều kinh phí.

Ông Nguyễn Trọng An cũng cho rằng, cần cung cấp cho bố mẹ và chính các em các kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Các cộng tác viên, đội ngũ hỗ trợ phải thực hiện mẫu, cung cấp thông tin về các biện pháp sơ cứu cho trẻ khi bị tai nạn thương tích.

Ví dụ như khi trẻ bị bỏng, phải ngâm ngay vào nước mát để tránh sưng rộp. Hiện nay, trẻ dễ bị hóc dị vật, hạt vải, hạt nhãn hay hóc thạch, cha mẹ cần phải dốc ngược bé rồi vỗ mạnh ở vùng 2 bả vai để bật dị vật ra khỏi họng. Nhiều em bé bị ngã, rất nguy hiểm khi cha mẹ xốc mạnh các bé lên. Trước tiên, phải quan sát, cầm máu cho bé. Nếu em bé tái xanh, thở yếu thì phải gọi ngay cấp cứu. Nếu em bé bị giật điện, phải lấy ngay vật không truyền điện và hất que em bé dùng để chọc điện ra, sau đó tắt ngay cầu giao điện…

Để phòng tai nạn thương tích cho con, các cha mẹ hãy luôn để mắt đến trẻ. Đặc biệt, đối với các trẻ dưới 6 tuổi hãy giám sát chặt chẽ, kiểm tra xung quanh nhà để loại trừ nguy cơ. Đối với trẻ trên 6 tuổi, hãy để các em đi học những kỹ năng bảo vệ bản thân. Cha mẹ cũng cần trau dồi kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm để bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất. Bố mẹ nhiều lúc không có thời gian trông con thường không tập trung. Việc người lớn thiếu giám sát trẻ cũng như trong cộng đồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích như: Ao, hồ, sông suối nguy hiểm không có biển báo, không có rào chắn… là nguyên nhân gây tai nạn thương tích trẻ em.

Khi trẻ em hay cả ngưởi lớn bị đuối nước, không được phép bơi ra cứu ngay, trừ trường hợp bị đuối nước ở chỗ nước nông. Nếu ở chỗ nước sâu, cần phải hô hoán để mọi người cùng đến cứu giúp. Cần quan sát xung quanh có vật gì để bám vào không, hoặc dây để kéo vào bờ, hãy ném vật đấy cho người đuối nước để họ bám vào.

Nếu bản thân có khả năng cứu đuối tốt thì có thể trực tiếp cứu đứa bé, nhưng nếu không có khả năng cứu đuối, nên hô hoán để tìm sự giúp đỡ từ mọi người. "Sau khi cứu em bé, phải ngay lập tức thông đường thở của bé. Đây là kĩ năng hồi sức tim phổi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, luyện tập đàng hoàng, thông tin chính xác và thực hành ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thế nào, hô hấp nhân tạo thế nào để phù hợp với trẻ ở từng lứa tuổi", ông An hướng dẫn.