Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Để trẻ nấu ăn an toàn

 
Những lưu ý trong khâu chuẩn bị nấu nướng
 
Trước khi trẻ chính thức trở thành một đầu bếp thực thụ tại gia, cha mẹ hãy lưu ý con những bước cần chuẩn bị trước khi nấu nướng để đảm bảo việc nấu nướng không chỉ sạch sẽ mà còn phải an toàn.
 
Luôn rửa tay trước và sau khi nấu ăn là điều trẻ phải học thuộc lòng, nhất là trong mùa dịch này, vấn đề vệ sinh càng phải chú trọng.
 
Không chỉ rửa tay, trẻ cũng cần vệ sinh sạch sẽ các nguyên liệu, dụng cụ chế biến. Ví dụ, dao và thớt sau khi thái dù là đồ sống hay đồ chín đều phải được rửa sạch với nước rửa chén và phơi khô. Nên dùng ít nhất hai thớt riêng biệt, một thớt thái đồ sống, một thớt thái đồ chín.
 
Trái cây cũng cần được rửa kỹ như rau xanh. Nhiều trẻ em có thói quen ăn luôn hoa quả mua từ ngoài chợ về vì nhìn chúng khá sạch, sự thật có nhiều loại hoa quả tuy trông sạch sẽ nhưng lại tồn dư các loại thuốc bảo quản, do đó, tất cả các loại hoa quả cần được rửa sạch dưới vòi nước hoặc bằng các dung dịch chuyên dùng để rửa trái cây có bày bán tại các siêu thị.


Trẻ em có thể tham gia nấu ăn cùng cha mẹ hoặc tự nấu ăn nếu được trang bị các kỹ năng cơ bản và biết cách phòng, chống tai nạn thương tích khi nấu nướng. Ảnh minh họa

 Cách bảo quản thực phẩm

 
Ngoài việc học chế biến các món ăn, trẻ cũng cần biết cách bảo quản thực phẩm. 
 
Thức ăn vừa mới nấu xong, còn nóng không được cất ngay vào tủ lạnh, bởi nhiệt độ cao trong thức ăn sẽ ngưng đọng thành hơi nước, tạo điều kiện thúc đẩy các vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây ngộ độc. Thức ăn chín mang từ tủ lạnh ra không nên ăn ngay (trừ các đồ ăn nguội như phô mai, thịt nguội, thịt hun khói…) vì các thức ăn lạnh này có thể khiến trẻ bị đau bụng, chúng cần được hâm nóng bằng lò vi sóng hoặc nấu trực tiếp.
 
Không nên để thức ăn ngoài không khí quá 2 tiếng đồng hồ, vì sau 2 tiếng đồng hồ, các vi sinh vật sẽ bắt đầu phát triển, hay nói nôm na là thức ăn sẽ bắt đầu hỏng. Nếu xác định không dùng hết thức ăn, nên chia khỏ thức ăn ngay từ đầu, phần chưa ăn đến nên cất trong tủ lạnh. Lưu ý, một số vi khuẩn chứa độc tố có hại mà không thể bị tiêu diệt bằng cách đun nóng, do đó, một số loại thức ăn để ở nhiệt độ phòng trong hơn 2h không còn an toàn để đun lại dùng tiếp, chúng cần phải loại bỏ. 
 
Tốt nhất, thực phẩm nấu xong nên ăn ngay. Nếu còn thừa, hãy để nguội và cho vào hộp (hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa PP) có nắp đậy kín hoặc bát sứ trắng được bọc kín miệng bằng màng bọc thực phẩm cất vào tủ lạnh để bảo quản. Lưu ý, thực phẩm đã nấu chín không nên để quá 3 ngày trong tủ lạnh; các loại trái cây, rau quả tươi không nên để quá 1 tuần, để càng lâu chất dinh dưỡng càng hao hụt nhiều. 
 
Cách rã đông thực phẩm an toàn nhất là để xuống ngăn mát tủ lạnh từ tối hôm trước. Hoặc bạn có thể rã đông nhanh bằng cách xả thực phẩm trực tiếp dưới vòi nước lạnh, không nên xả dưới vòi nước nóng vì nước nóng có thể làm chín thực phẩm phía bên ngoài, trong khi bên trong vẫn sống; hoặc có thể bằng cách chọn chế độ rã đông trong lò vi sóng.
 
Nếu trẻ nhà bạn có thể tuân thủ các nguyên tắc bảo quản thực phẩm trên, chúng có thể phòng, chống tối đa các nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
 

Dao và kéo là những vật dụng nhà bếp dễ gây tai nạn thương tích cho trẻ em nhất, do đó cha mẹ cần hướng dẫn trẻ sử dụng chúng một cách cẩn trọng. Ảnh minh họa
 
Sử dụng các dụng cụ nấu ăn đúng cách
 
Đây là vấn đề mà nhiều phụ huynh lo lắng nhất, tuy nhiên, trẻ chỉ có thể nấu ăn thành thạo nếu sử dụng các dụng cụ nấu ăn một cách nhuần nhuyễn, trong đó có cách sử dụng dao và kéo – những vật sắc nhọn dễ gây tai nạn thương tích cho trẻ em.
 
Trước khi cho trẻ sử dụng dao thật, phụ huynh có thể cho con làm quen với dao nhựa trên thực phẩm mềm như chuối và bơ. 
 
Khi trẻ sử dụng dao nhựa thành thạo mới được tiếp xúc với dao thật. Dạy trẻ khi sử dụng dao, phải cầm dao bằng tay thuận của mình, dùng 4 ngón tay vòng từ dưới lên nắm chặt cán dao, ngón trỏ đặt ở vị trí sát điểm giữa cán dao và lưỡi dao, ngón tay cái giữ từ phía trên cán dao. Khi cắt, đẩy nhẹ dao về trước, khi gần hết lưỡi dao lại kéo dao về phía mình, vừa đẩy dao, vừa ấn nhẹ con dao vào vật cần cắt. Lưu ý, chỉ dùng dao cắt các vật mềm như rau, quả, thịt…; không dùng dao cắt các vật cứng như gỗ, nhựa, sắt...
 
Với kéo, cha mẹ nhắc con đặt ngón trỏ và ngón giữa ở lỗ to hơn. Còn ngón cái đặt ở lỗ bé hơn và luôn hướng kéo lên trên.
 
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hướng dẫn trẻ cách mở nắp vung khi nồi đang được đặt trên bếp, nhiều trẻ nghĩ nồi chỉ nóng ở vùng tiếp xúc với bếp mà không biết rằng vung nồi cũng rất nóng nên đã có không ít trẻ bị bỏng vì dùng tay không trực tiếp nhấc vung nồi. Với một số nồi cách nhiệt tốt, trẻ có thể cầm trực tiếp vào quai và vung nồi, nhưng đa phần trẻ sẽ phải cần tới các miếng lót bếp chuyên dụng.
 
Ngoài ra, cần lưu ý trẻ, bếp đang nấu ăn, lò vi sóng, lò nướng, ấm siêu tốc đang bật đều rất nóng, hãy nhắc nhở trẻ tránh chạm người vào vì có thể bị bỏng. Nước sôi, đồ ăn nóng cũng hết sức cẩn thận vì chúng có thể khiến trẻ bị bỏng.

Dạy trẻ nấu ăn hoặc hướng dẫn trẻ học nấu ăn qua mạng 
 
Một số bậc phụ huynh trực tiếp hướng dẫn con nấu ăn, họ sẽ dạy con từ món dễ đến món khó, nhưng một số trẻ không thích các món ăn kiểu truyền thống của cha mẹ, chúng có thể tự mày mò học nấu ăn trên mạng. Một số có thể áp dụng thành công, nhưng một số thì không vì công thức chỉ là một phần, cảm nhận và vị giác của mọi người là không giống nhau. Trẻ sẽ nấu ăn ngon dần lên khi được thực hành thường xuyên mỗi ngày.
 

Bình Yên/GĐTE