Mùa xuân - Nhớ thơ chúc Tết của Bác Hồ, nhớ những điều Người căn dặn
Không phải ngẫu nhiên, người Việt Nam yêu mùa xuân nhất trong 4 mùa của một năm. Đơn giản, mùa xuân là năm mới, mùa xuân là Tết Nguyên đán, mùa xuân là mùa sum họp của gia đình. Không ai ngạc nhiên khi trong mùa xuân, người Việt Nam di chuyển nhiều nhất: từ cơ quan về quê; từ quê trở lại cơ quan; đi du xuân, tham gia các lễ hội...; nghĩa là những ngày nhộn nhịp chuyển dời trong khi trời ấm áp, mát mẻ, các loại hoa đua sắc.
Theo truyền thống cả ngàn năm, dân tộc Việt Nam đón xuân trong niềm hân hoan và hi vọng. Căn cứ vào lịch sử Việt Nam hiện đại, nói rõ là từ 1945 đến nay, người dân Việt Nam đón Tết, đón xuân với tư thế của người dân của một đất nước tự do, độc lập. Trong những ngày đón xuân, đại bộ phận người Việt Nam đều nhớ đến Bác Hồ. Trong suốt cuộc đời mình, mỗi dịp Tết đến, xuân về, Bác Hồ luôn mong muốn người dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người thể hiện điều này bằng những vần thơ xuân mộc mạc, sâu sắc, nồng ấm. Vì thế, thơ của Người dễ nhớ, dễ thuộc. Bài thơ xuân cuối cùng của Người được viết vào tháng 1/1969: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.
Hơn 41 năm trước, Bác Hồ đã viết: “Bắc Nam sum họp xuân vào vui hơn”. Mùa xuân năm 1976, Bắc Nam đã sum họp - mùa xuân vui nhất đã được nhân dân ta đón nhận và ghi nhớ. Nhưng đấy là niềm vui kết thúc chiến tranh, niềm vui sum họp - niềm vui của ý chí và tinh thần. Bây giờ đã là năm 2020, chúng ta phải tạo dựng niềm vui mới - niềm vui trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Ảnh minh họa
Đón xuân, tìm sức mạnh của mùa xuân
Chúng ta đang kêu gọi học tập gương Bác Hồ. Ngay chuyện vui xuân, đón Tết chúng ta cũng học tập Người được rất nhiều điều. Trong bài “Mùa xuân quyết thắng” trên Báo Nhân Dân số 2147 ngày 3/2/1960 với bút danh Trần Lực, Bác viết: “Tục ngữ có câu: “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa xuân”. Bác nói như vậy đúng 60 năm trước vì lúc đó miền Bắc có rất nhiều kế hoạch phát triển. Trước mỗi công việc, sự kiện lớn, Bác đều có kế hoạch, có tính toán từ trước. Những tính toán, dự cảm của Bác không chỉ trước một năm, mà thậm chí còn từ nhiều năm. Và Bác nhận thấy, nếu có niềm tin vững chắc, trong không khí vui vẻ phấn khởi, thì mọi việc sẽ càng thuận lợi, hanh thông. Do đó, Bác mong muốn mọi người cùng chung sức chung lòng, có kế hoạch chu đáo và thực hiện kế hoạch thành công.
Tiếp sau đó, Bác Hồ còn viết bài “Mừng xuân vĩ đại” đăng trên Báo Nhân Dân số 2141 ngày 27/1/1960, trong đó có đoạn: “Xưa kia, người ta chỉ mừng xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình. Ngày nay, chúng ta mừng xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới”. Điều quan trọng là trong bài viết đó, Người đã lưu ý: Mừng xuân rộng rãi không phải là ăn chơi ngày rộng tháng dài, mừng xuân là trong lòng phấn khởi trước một mùa xuân mới, một niềm hy vọng mới, một sự cố gắng phấn đấu mới...”. Nên nhớ, năm 1960 miền Bắc gặt hái được nhiều thành công, người dân rất phấn khởi, đất nước có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Vì thế, Nhà thơ Tố Hữu mới có tiền đề để viết “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”.
Chúng ta cần biết thế này, vào lúc đỉnh cao đó, Bác Hồ vẫn căn dặn mỗi người dân cần tiết kiệm, chống lãng phí trong những ngày đón xuân. Người viết: “Chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí. Chúng ta ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để xuân sau thắng lợi hơn xuân này”. Cách nghĩ, cách cảm, cách căn dặn này của Bác Hồ đã thể hiện sự trân trọng đối với Tết cổ truyền của dân tộc, và đề cao giá trị lao động - nguồn gốc tạo ra mọi của cải vật chất.
Ảnh minh họa
Trở về với thực tại, cần đón xuân an lành
Luật “Phòng, chống tác hại của rượu, bia” có hiệu lực đã được khoảng 1 tháng. Đại bộ phận quần chúng nhân dân hoan nghênh luật này. Nhờ có luật này, tai nạn giao thông giảm, tiền nằm trong túi nhiều người đàn ông lâu hơn; các gia đình đón người cha, người chồng ăn bữa tối nhiều hơn... Tuy nhiên, hàng quán lâm vào hoàn cảnh đìu hiu, vắng khách; nhân viên nhà hàng chỉ chơi games và ngáp dài. Trước tình cảnh này, chúng ta cũng cần tỉnh táo để xem lại tác động của Luật “Phòng, chống tác hại của rượu, bia”.
Rõ ràng, luật này chỉ chống tác hại của rượu, bia chứ không chống rượu bia. Vì vậy, chúng ta cần đưa ra cách ứng xử phù hợp. Vấn đề tôi muốn nói tới ở đây là phải có tiêu chí, chế tài phù hợp để Luật “Phòng, chống tác hại rượu, bia” đi vào cuộc sống một cách phù hợp.
Đang giữa những ngày rực rỡ của mùa xuân, ở giai đoạn này của thiên nhiên, đất trời có thể cho con người say đắm nhưng chúng ta cần tỉnh táo để đón xuân an lành. Cái an lành sẽ theo chúng ta đi hết cả năm. Chúng ta cần hiểu và thực hiện đúng câu khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng xuân”, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trong mùa xuân – mùa của sinh sôi và hi vọng.
Hồ Bất Khuất/GĐTE