Ngay sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, hôm nay 27/5, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tại phiên thảo luận, có 55 đại biểu đăng ký phát biểu ngay khi Quốc hội bắt đầu phiên giám sát tối cao sáng nay.
Chuyển biến tích cực và đạt nhiều thành tựu quan trọng
Đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo giám sát và cho rằng, Báo cáo này đã phản ánh khá đầy đủ, khách quan, ghi nhận những kết quả quan trọng nhưng đồng thời cũng phân tích làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập để từ đó đề ra các giải pháp, kiến nghị.
Cùng với đó, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian qua.
Đánh giá, trong năm qua cùng sự quan tâm của các cấp các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, đã đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em như quyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư. Các đối tượng xâm hại trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp, vẫn còn một thực trạng nhức nhối diễn ra nghiêm trọng đó là tình hình xâm hại trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội không những ở vùng nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa mà ngay cả địa bàn kinh tế, xã hội đang phát triển cũng xảy ra.
Tác động của thông tin độc hại trên trạng mạng xã hội, internet
Theo đó, ông đưa ra "những con số đau lòng" để cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn mảng tối của công tác phòng chống xâm hại trẻ em "là đáng báo động", ông nói.
Viện dẫn, khi mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai. Qua thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa đầy đủ xử lý nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em…
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Hòa là do tác động, mặt trái của kinh tế thị trường, sự sụt giảm nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân; những thông tin độc hại trên trạng mạng xã hội, internet tràn lan cũng tác động rất tiêu cực cho trẻ em, biết độc hại mà vẫn có một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên hiếu kỳ, tìm hiểu, lâu dần bị tiêm nhiễm.
Cùng với đó, theo đại biểu Hòa, nhiều bậc cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc, chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em về ý thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại.
"Cá biệt có trường hợp lúc đầu trình báo với cơ quan công an, sau đó lại nộp đơn khiếu nại, tố cáo, không hợp tác với cơ quan điều tra vì nhiều lý do khác nhau. Có nhiều trường hợp xâm hại trẻ em chỉ có hai người không có chứng cứ cụ thể, nên cũng rất khó khăn xử lý đối tượng xâm hại và tiếp xúc với gia đình của nạn nhân", đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu.
Theo đó, ông Hòa nhấn mạnh, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng, có rất nhiều gia đình được hỏi chưa biết nội dung trẻ em, trẻ em chưa biết tuổi thiếu niên là bao nhiêu, nên tuyên truyền chính sách pháp luật ở cơ sở nơi nào cũng có vậy mà chưa được quan tâm.
"Điều này chứng tỏ công tác truyền thông chưa hiệu quả, thậm chí hiện nay trong chương trình thời sự 19h, giờ vàng dành phải riêng cho chương trình quảng cáo, không có chương trình của thiếu nhi", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người quan tâm đến vấn đề xâm hại trẻ em và mong muốn sớm phát hiện, truy tố, xét xử các đối tượng xâm hại.
Từ thực tế, đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng; có những tội phạm tái phạm nhiều lần… khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc đơn cử như những vụ: ông nội, cha ruột xâm hại bé gái; vụ cháu gái gửi tâm thư tố cáo bị đối tượng 70 tuổi xâm hại hay những vụ bảo mẫu, thầy, cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian dài… những vụ án đó thể hiện tính chất phức tạp, kéo dài.
Đại biểu Phương đau lòng: "Các em dù đã cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo… những đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả, điều này khiến chúng ta không khỏi hồ nghi: liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp? Liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật không đủ xử lý và răn đe?"
Những tồn tại về mặt thể chất, theo đại biểu đoàn Quảng Bình, có thể đong đếm được, nhưng những tổn thương tinh thần mãi mãi còn lại trong ký ức của các em.
"Tình trạng trên càng chứng minh việc UBTVQH tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em là cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự quan tâm đến trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước", ông Phương nhấn mạnh.
Theo đại biểu này, qua giám sát đã làm rõ thực trạng vi phạm và xử lý, xem xét sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật nhằm xử lý nghiêm đối tượng vi phạm; kiến nghị đưa ra chủ trương, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Qua giám sát cũng đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong văn bản pháp luật, cụ thể: nhiều quy định về tội ấu dâm chưa bảo đảm; chưa có phòng xử án thân thiện; chưa có cơ chế điều tra phù hợp với trẻ em… Bên canh đó, nhiều trẻ em bị xâm hại do cha mẹ đi làm xa, cha mẹ ly hôn, trẻ em lang thang cơ nhỡ…
Có tình trạng trẻ em bị xâm hại qua mạng, trong đó, nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em như tự tử, tự làm hại mình.
"Tất cả những thực tế đó khẳng định, giám sát của Quốc hội nhằm yêu cầu cần phải có một sự đột phá đòi hỏi tất cả các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội cần vào cuộc quyết liệt nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế chặt chẽ mang tính phòng ngừa, răn đe và có hệ thống, tiếp nhận thông tin cởi mở để trẻ em dễ dàng tiếp cận, kêu cứu trong trường hợp khẩn cấp", đại biểu Phương nhấn mạnh.
Mở rộng hình thức phạt như... thiến hoá học
Để hạn chế, kiểm soát tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới đạt kết quả thiết thực, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị các cấp các ngành đẩy mạnh đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó.
Cùng với đó, phải nâng cao hiệu quả công tác điều tra xét xử tội phạm xâm hại trẻ em, kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh. Vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em.
Đối với những người phạm tội cần phải xử lý nghiêm minh kịp thời, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, dành khung hình phạt cao nhất cho kẻ phạm tội trên các hành vi xâm hại trẻ em…
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị tổ chức chính trị xã hội cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp cần rõ ràng minh bạch. Quy định trách nhiệm xử lý phải gắn trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp.
"Nếu không, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em sẽ là hình thức, không cơ quan, tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm", đại biểu Hòa khẳng định.
Về một số giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, đại biểu Phương kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em;
Đáng chú ý, ông nhấn mạnh nên mở rộng hình thức phạt như thiến hoá học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Phương, cần bổ sung quy định trong Luật Giám định tư pháp theo hướng việc giám định tư pháp với những vụ việc xâm hại trẻ em cần phải được đặc biệt quan tâm.