Mức phí và các loại xe phải kiểm tra khí thải
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ đề án kiểm soát khí thải xe máy và đưa ra lộ trình thực hiện từ 2018 - 2020. Theo đó, từ 1/7/2018 kiểm tra khí thải với xe môtô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên tham gia giao thông tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng. Theo đánh giá của Cục Đăng kiểm, lượng xe sẽ phải kiểm tra vào khoảng 20.000 xe.
Theo đó, đây là những xe phân khối lớn, có số lượng ít có thể triển khai được ngay tại các Trung tâm đăng kiểm ôtô đang lưu hành (nơi có sẵn cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo) trong thời gian đầu, khi chưa có nhiều cơ sở của tư nhân tham gia; là một bước quan trọng nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc áp dụng các quy định, quy trình, thủ tục, kỹ thuật vào thực tế.
Việc kiểm tra khí thải sẽ không áp dụng với xe lưu thông trong 5 năm đầu sử dụng, không áp dụng với xe công an, quân đội, xe phục vụ người khuyết tật.
Theo đề án, việc kiểm tra khí thải sẽ phải làm 1 lần/năm, mỗi lần kiểm định mất khoảng 15 phút. Sau khi kiểm định, nếu xe đạt chuẩn sẽ được cấp chứng nhận và dán tem xác nhận. Những xe phát khí thải không đạt chuẩn sẽ phải sửa chữa để đáp ứng tiêu chuẩn kĩ thuật. Dự kiến chi phí kiểm tra khí thải người dân chi trả là 60.000 đồng/xe/năm (phí kiểm tra 49.500 đồng/xe và 10.000 đồng lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định).
Ngoài ra, các xe không có giấy chứng nhận, tem kiểm tra khí thải còn thời hạn sẽ bị xử phạt hành chính. Hiện vẫn chưa có mức phạt chính thức được đưa ra.
Theo đề án mới, xe máy không kiểm tra khí thải sẽ bị phạt hành chính. (Ảnh minh họa)
Ở giai đoạn 2 từ năm 2020, việc kiểm tra có thể sẽ áp dụng với mô tô có dung tích nhỏ hơn 175cm3 và xe gắn máy tham gia giao thông sau khi có đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại sao phải kiểm tra khí thải xe máy?
Được biết, đề án kiểm tra khí thải đối với xe mô tô và xe gắn máy từng được nghiên cứu từ năm 2006. Tuy nhiên, việc đưa đề án vào thực tiễn đến nay vẫn chưa làm được, bởi số lượng xe máy cần kiểm tra quá lớn. Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đến ngày 31/12/2015 đã có 48.92 triệu xe được đăng ký mà tuyệt đại đa số là môtô 2 bánh, chiếm 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước.
Trong 5 năm qua, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số lượng người đăng ký mới về xe gắn máy đã tăng gấp đôi, đạt 11.8 triệu chiếc, chiếm gần 1/4 số lượng xe cả nước.
Ngoài ra, phần lớn người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy hiện nay chưa nhận thức được về tác hại của khí thải và sự cần thiết trong việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Mức phí kiểm tra hàng năm, theo Bộ GTVT, chiếm một phần rất nhỏ so với chi phí bỏ ra cho nhiên liệu.
Nhất trí lộ trình thực hiện đề án kiểm tra khí thải?
Theo đó, đa số các ý kiến nhất trí lộ trình được thực hiện trước đối với các xe môtô, loại có dung tích xy lanh lớn từ 175cm3 trở lên để đánh giá, rút kinh nghiệm. Khảo sát thực tế cũng cho thấy, đa số xe môtô trong thời gian 5 năm đầu sử dụng đều đạt tiêu chuẩn khí thải, việc này cũng được so sánh kinh nghiệm từ các nước.
Chính vì vậy, trong đề án đều nhất trí việc lộ trình kiểm tra khí thải sẽ không áp dụng đối với xe môtô trong 5 năm đầu sử dụng (không áp dụng với xe công an, quân đội, xe phục vụ người khuyết tật) vì đây là những xe còn tương đối mới, đã được kiểm tra lần đầu lúc xuất xưởng hoặc nhập khẩu và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất.
Cũng theo đề án, lộ trình áp dụng đối với xe môtô, không phân biệt biển số đăng ký tham gia giao thông trên địa bàn tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2. Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng, những xe có biển số đăng ký của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động hoặc đi vào địa bàn các thành phố thuộc phạm vi quy định cũng đều phải được kiểm tra khí thải.
Hiện chưa rõ đề án trên có được thông qua hay không nhưng việc triển khai đề án này được một số chuyên gia nhận định là không dễ và có thể sớm thất bại như việc thu phí bảo trì đường bộ cho xe máy.
Theo Kim Thanh/giadinhvietnam.com