Theo Dự thảo, đối tượng hỗ trợ gồm nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; người nước ngoài bị mua bán được trao trả qua Việt Nam; người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, Điều 25 của Luật Phòng, chống mua bán người hoặc người trong thời gian chờ xác minh nhân thân, để cấp giấy tờ nhân thân; người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.
Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật, nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu gồm tiền ăn, cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đáng chú ý, nạn nhân được hỗ trợ y tế. Nạn nhân được thăm khám sức khỏe thông thường. Nạn nhân chưa có thẻ BHYT thì được cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định của pháp luật về BHYT.
Trường hợp nạn nhân bị ốm nặng vượt quá khả năng cung cấp của cơ sở phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị, chi phí khám bệnh và chữa bệnh tại cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT.
Trường hợp nạn nhân chết, sau 24 (hai mươi bốn) giờ, kể từ khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân hoặc cơ sở trợ giúp xã hội khác có trách nhiệm tổ chức mai táng.
Chi phí giám định pháp y, chi phí mai táng thực hiện theo quy định đối với đối tượng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 9 của Dự thảo, nạn nhân còn được hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ đi lại.
Tại Điều 11, quy định nạn nhân được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, đối tượng hỗ trợ gồm: Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam; Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.
Theo đó, nạn nhân được trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ học văn hóa, học nghề; Hỗ trợ vay vốn. Theo đó, nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trường hợp không đủ điều kiện vay vốn theo quy định đối với các dự án vay vốn từ Quỹ gia giải quyết việc làm, thì chính quyền cơ sở phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, hỗ trợ vay vốn từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh cho nạn nhân.
Theo điểm C, khoản 2, Điều 11 về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, Dự thảo quy định về trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân như sau:
Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo mức 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa không quá 3 tháng.
Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối đa không quá 15.000.000 đồng/hộ.