Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đề xuất chuyển Ga Hà Nội ra khỏi nội đô mới chỉ là ý kiến

Tại Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông 7 tháng của năm 2017 trên địa bàn Hà Nội vào ngày (8/8), Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội đề xuất di dời tuyến đường sắt liên tỉnh và Ga Hà Nội ra khỏi nội đô để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông… Sự việc ngay lập tức thu hút lượng lớn người dân quan tâm và bày tỏ chia sẻ.

 

Ga Hà Nội là một nơi thu hút đáng kể các chuyến đi và đến của người dân bằng đường sắt.

 

Lo ngại xung đột giao thông

Dẫn chứng, trên thế giới chỉ còn Hà Nội và 5 thành phố khác là còn đường sắt liên tỉnh trong nội thành, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình cho rằng, đoạn đường sắt "vừa nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông". "Ga Hà Nội cũng là một nơi thu hút đáng kể các chuyến đi và đến của người dân bằng đường sắt. UBND thành phố và các cơ quan chức năng Trung ương xem xét, di dời Ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố nhằm xoá bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành”, Thiếu tướng Bình kiến nghị.

Với biện pháp này, vị Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tin tưởng sẽ giúp loại bỏ những xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, tai nạn giao thông đường sắt có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tại những địa phương có nhiều đường ngang tự mở giao cắt với đường sắt.

“Một phần do người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông, coi thường nguy hiểm, tự ý vượt đường sắt khi tàu chạy qua. Mặt khác, nhiều đường ngang do người dân tự mở, thiếu hệ thống cảnh báo nguy hiểm”, ông Viện đánh giá.

Từ nay đến cuối năm nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai xây dựng gờ giảm tốc tại 92 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt để đảm bảo an toàn giao thông.

 

Theo thống kê, các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu xảy ra ở các đường dân sinh tự mở, không có rào chắn, hay cảnh báo.


Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sớm triển khai dự án nâng cấp cải tạo thành đường ngang có gác hoặc đường ngang có cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động tại các đường ngang qua đường sắt có lưu lượng tham gia giao thông cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Ngành đường sắt phản hồi

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng: Đường sắt trên toàn thế giới đều thể hiện 2 ưu việt đó là tính an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân. Một đoàn tàu có thể chuyên chở được từ 700 đến 1.000 hành khách, thay vì vận chuyển như hiện nay thì vài trăm phương tiện khác đi vào sẽ vẫn gây áp lực lên giao thông nội đô. Nếu đường sắt không ở trung tâm mà di chuyển ra bên ngoài sông Hồng hay khu vực Thường Tín như đề xuất, thì lượng phương tiện từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành và ngược lại còn làm tăng nhu cầu tham gia giao thông của người dân lên rất nhiều.

Ông Đặng Danh Ái, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng (BQP) cho biết, ý kiến đề xuất di dời Ga Hà Nội, đường sắt liên tỉnh ra khỏi nội đô chỉ là một ý kiến nhỏ trong cuộc họp tổng kết chứ chưa phải là chủ trương, hay hội nghị, hội thảo mang tầm cỡ quốc gia. Được biết, ở Hà Nội theo quy hoạch đường sắt được Thủ tướng phê duyệt thì đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là Ga Hà Nội hiện nay và kết nối với đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội). Do đó không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra khỏi trung tâm.


Nếu di dời, một bộ phận không nhỏ người dân mưu sinh ở các nhà ga toàn quốc bị ảnh hưởng.


Người dân sợ bất tiện

Xung quanh ý kiến trên, ông Nguyễn Hồng Bách, ở ngõ Chợ, phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi nghĩ đề xuất trên là khó khả thi, bởi từ bao đời nay lợi thế của ngành đường sắt Việt Nam là hầu hết nhà ga nằm trong nội đô, thuận tiện cho việc đi lại của người dân, mặt khác đường sắt luôn chuyển hàng hóa khối lượng lớn giữa các tỉnh vào thẳng trung tâm, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí vận chuyển… Nếu chuyển ra ngoài thì chắc không khách hàng nào còn mặn mà với đường sắt”.

Là một hành khách thường xuyên di chuyển bằng đường sắt nhiều năm nay từ Vinh ra Hà Nội, bà Hoàng Thị Lài, bày tỏ: “Nếu di chuyển đường sắt ra khỏi nội đô, tôi sẽ chọn phương tiện khác cơ động hơn như ô tô khách đường dài chất lượng cao chẳng hạn. Vốn dĩ tôi chọn đi đường sắt vì nó đi thẳng nội đô rất thuận tiện. Tính chất đặc thù của đường sắt từ thời xưa là chạy xuyên tâm rồi, nếu di chuyển thì ảnh hưởng quá lớn đến người dân và kinh tế đất nước”.