Doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng được Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế TNDN xuống còn 17%, kể từ năm 2017.
Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đề nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp, trong đó có đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN cho DNVVN.
Nội dung giảm thuế TNDN cho DNVVN là đề xuất áp dụng thuế suất thuế TNDN từ mức 20% hiện hành xuống còn 17% trong vòng 4 năm (2017-2020).
Theo Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính), việc giảm thuế nhằm giúp DNVVN có điều kiện tăng tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Giải pháp giảm thuế này cũng không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách. Lý do là số lượng DNVVN hiện chiếm 86,2% tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng tỉ trọng đóng góp thuế TNDN vào ngân sách không lớn.
Cụ thể, theo tiêu chí phân loại DNVVN hiện hành thì các DNVVN là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỉ đồng (giai đoạn 2013-2015) và được áp dụng thuế suất 20%. Số thu thuế của khối doanh nghiệp này năm 2014, 2015 khoảng 2.746 tỉ đồng/năm.
Bộ Tài chính phân tích rằng, giảm 3 điểm phần trăm thuế suất đối với DNVVN xuống còn 17% trong năm tới đến 2020 là tương đương với mức thuế suất ưu đãi áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Vấn đề hiện nay là Bộ Tài chính phải đợi Bộ KH&ĐT trình dự thảo Luật hỗ trợ DNVVN (sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới), trong đó có thay đổi tiêu chí xác định DNVVN. Dự thảo mới đề xuất tiêu chí xác định DNVVN là các doanh nghiệp có doanh thu 100 tỉ đồng trở xuống. Theo tiêu chí đề xuất mới thì khoảng 95,2% số doanh nghiệp tại Việt Nam là DNVVN.
Tính toán cho thấy, 95,2% số doanh nghiệp này hàng năm đóng góp vào ngân sách 8.710 tỉ đồng. Nếu chính sách giảm thuế được áp dụng đối với DNVVN có doanh thu 100 tỉ đồng trở xuống thì ngân sách giảm thu khoảng 1.500 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính rất mong Chính phủ quyết định hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp này để đạt được lợi ích kinh tế-xã hội cao hơn, vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất