Phương án gây tranh cãi
Mới đây, Công ty VPF quyết định sẽ hoãn tổ chức V-League cho tới tháng 2/2022 do quỹ thời gian quá hạn hẹp, từ giờ đến cuối năm sẽ chỉ có các đội tuyển quốc gia thi đấu. Nếu được VFF thông qua, vòng 13 V-League 2021 tổ chức ngày 12/2/2022. Giai đoạn 2 của LS V-League 2021 đá từ 16/2 – 12/3/2022 với 2 nhóm đua vô địch (6 đội) và nhóm đua trụ hạng (8 đội).
Thực tế, việc V-League trở lại và kết thúc trong năm 2021 là khó khả thi bởi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong khi lịch thi đấu của U23 và tuyển Việt Nam gần như kín.
"Việc lùi V-League là bất khả kháng, VPF đã có sự tính toán mang tính dài hơi hơn để các đội bóng có sự chuẩn bị cũng như tạo điều kiện cho tuyển Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế", ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng Giám đốc VPF cho biết.
VPF có cái lý để lùi V-League sang năm 2022 nhưng phần lớn đội bóng không tán thành. Việc giải đấu tiếp tục hoãn tới 7 tháng tác động trực tiếp đến kế hoạch tập luyện và đặc biệt là vấn đề tài chính của các CLB.
Ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn bóng đá HAGL cho biết: "Nếu lùi lâu như vậy chắc chắn khiến các đội bóng gặp nhiều khó khăn. VPF phải cân bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đội tuyển và CLB bởi CLB chính là nền tảng của đội tuyển quốc gia".
Trong khi đó, Giám đốc điều hành CLB Nam Định, Trần Thái Toán cũng có chung quan điểm: "Việc không thi đấu trong khoảng thời dài kéo theo nhiều rủi ro khác như chi phí sinh hoạt, lương thưởng cầu thủ phát sinh, gây khó khăn cho những đội bóng có tài chính eo hẹp như Nam Định".
Tân Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn thậm chí còn đưa ra đề xuất gây "sốc" là tổ chức cho hai đội dẫn đầu BXH đá "chung kết" để xác định nhà vô địch. Trong trường hợp hoàn cảnh khó khăn thì trao thẳng danh hiệu vô địch cho đội đang đứng nhất BXH là HAGL vì giải cũng đã qua 2/3 chặng đường.
Tìm tiếng nói chung
Bầu Đức không thể ngồi yên sau khi VPF đưa ra phương án lùi V-League sang năm 2022. Theo người đứng đầu CLB HAGL, VPF không đại diện cho bất kỳ CLB nào, cũng không có vai trò cầm trịch nền bóng đá. 14 CLB chuyên nghiệp đang tham dự V-League là những đại diện cho cả nền bóng đá. Vì thế, việc VPF không thông qua các đội bóng khi đưa ra phương án lùi V-League thể hiện sự thiếu tôn trọng.
"Đấy chỉ là quan điểm cá nhân của vài vị đang điều hành tổ chức này, trong khi họ không có quyền phán quyết thay cả nền bóng đá. VPF quá xem thường 14 CLB V-League", bầu Đức nhấn mạnh.
Thực tế, cùng thời điểm bầu Đức có những phát biểu bức xúc trên thì VPF cũng có động thái gửi phiếu khảo sát lấy ý kiến từ các CLB về việc lùi V-League sang năm 2022. VPF yêu cầu các đội bóng gửi phản hồi trước trưa 23/7, sau đó tổng hợp báo cáo Ban chấp hành VFF trước khi ra quyết định cuối cùng.
Với tình thế hiện tại của VPF, muốn nhà tổ chức chia sẻ cho các CLB ít nhiều gánh nặng kinh phí nhằm duy trì tới tháng 2/2022 là bất khả thi. Nên thay vì chờ đợi trong thấp thỏm hoặc đợi phán quyết thì cần có những phương án khác cho mùa giải 2021.
Cách tháo gỡ từng nút thắt một cách khách quan và sòng phẳng nhất là VPF và 14 đội bóng ngồi lại cùng đối thoại, tìm ra tiếng nói chung cho phương án. Theo một chuyên gia bóng đá Việt Nam, với quỹ thời gian còn lại, V-League có thể buộc phải hi sinh cho đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam. Vậy một cái kết ngay lúc này với V-League 2021 có là chọn lựa tốt hơn thay vì "câu giờ" đến đầu năm 2022?
Ở dưới đáy BXH, nhà tổ chức có thể đưa ra phương án không có đội bóng nào phải xuống hạng, đồng thời tăng lên 16 đội (từ 2 suất ở giải hạng Nhất mùa tới như một giải pháp tình thế).
Dù sao VPF cũng cần phải nghĩ xa, an toàn nếu không muốn đối mặt với viễn cảnh rất xấu sau này với V-League. Nên biết, một số đội vốn đang gặp cơn khủng hoảng tài chính phải nợ lương cầu thủ, nếu tiếp tục phải gồng mình chi trả hàng chục tỷ đồng trong thời gian "ngồi chơi xơi nước" chờ V-League trở lại vào năm tới thì nguy cơ phải giải thể rất lớn. Hơn nữa, không chắc tới tháng 2/2022, V-League sẽ trở lại khi dịch Covid-19 đang có diễn biến rất phức tạp.