Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Phù hợp truyền thống, đạo lý
Nêu quan điểm về đề xuất này bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, Đại biểu Quốc Hội cho rằng, việc đề nghị bổ sung quy định ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là một đề xuất phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, trên thực tế, hơn 70 năm qua, từ năm 1947, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam, biểu thị lòng tri ân, bày tỏ nghĩa tình sâu nặng của con cháu đối với những người có công với đất nước và thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong ngày này, rất đông người dân là con cháu, người thân của các anh hùng liệt sĩ tập trung về các Nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương trên cả nước để viếng thăm, thắp hương cho người thân của mình.
“Vì nhiều lý do, nên còn rất nhiều liệt sĩ hiện người thân chưa thể đưa hài cốt về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của họ để yên nghỉ, thờ cúng. Vì vậy, nếu đề nghị này được Quốc hội tiếp thu, đây sẽ là dịp người thân, gia đình của các liệt sĩ dành nhiều thời gian được “xum họp” theo ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với cha ông mình. Ngày Thương binh, liệt sỹ cũng sẽ nâng tầm với ý nghĩa tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam” – bà Phạm Thị Minh Hiền nói.
Bà Hiền cho biết thêm: “Vừa rồi tôi đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14. Sau khi nghe trình bày dự kiến chương trình, nội dung của kỳ họp, thông tin về các dự thảo Luật sẽ góp ý, lấy ý kiến của ĐBQH vào tháng 5 này. Nhiều cử tri đã bày tỏ sự đồng tình cao khi biết sẽ có đề xuất trong đó có đề xuất ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trên toàn quốc trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Nhất là các cử tri là cán bộ lão thành, người có công Cách mạng đã rất vui và cho rằng đó sẽ là một dịp các cô chú sẽ được quây quần bên con cháu, ôn lại những kỷ niệm, chiến công xưa. Có cử tri còn đề nghị rằng, trường hợp nếu đề xuất này không được tiếp thu ghi nhận vào Luật thì Chính phủ cần có quy định treo cờ Tổ quốc vào ngày thương binh liệt sĩ. Bởi đây sẽ là một thông điệp để lớp trẻ, người dân thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những anh hùng liệt sĩ, thương binh đã hy xương máu cho nền hòa bình đất nước”.
Là con liệt sĩ, chị Nguyễn Thị Tiến ở Duy Tiên, Hà Nam cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ 27/7 là tin vui đối với người lao động bởi họ có thêm ngày nghỉ trong năm. Nhìn nhận ở góc độ kinh tế, có thể một ngày nghỉ lễ sẽ không tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội. Nhưng cả dân tộc, nhất là người lao động được sống chậm lại để suy ngẫm, chứng kiến sự mất mát và tri ân với gia đình liệt sỹ, các thương bệnh binh…
“Ngày 27/7 là ngày nghỉ, tuổi trẻ sẽ có điều kiện để tri ân người đã khuất và người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập dân tộc. Ngày mà học sinh, sinh viên biến thành ngày “tự giáo dục” để sống xứng đáng với cha, anh. Là ngày tri ân, là ngày để cả dân tộc thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ngày mà người người, nhà nhà hiểu hơn sự hy sinh của dân tộc để củng cố thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó vươn lên sánh vai cùng bè bạn năm châu” – Chị Tiến bày tỏ quan điểm.
Thế hệ trẻ tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Cần làm sao để ngày nghỉ 27/7 thực sự có ý nghĩa
Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, Tết trong một năm của người lao động Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các nước. Vì thế việc tăng thêm một ngày nghỉ trong năm để vừa tri ân người có công, vừa nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động và có thêm thời gian dành cho gia đình, góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển. Đó là những căn cứ để Bộ LĐTB&XH đề xuất có thêm một ngày nghỉ 27/7 đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Ngay khi đón nhận thông tin này, những người đã và đang trực tiếp phục vụ người có công với cách mạng hết sức đồng tình. Nếu có một ngày nghỉ lễ Thương binh, liệt sĩ, họ sẽ làm được nhiều hơn các công việc tri ân với người có công.
“Ngày 27/7 đã trở thành biểu tượng văn hóa về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Nhiều nước cũng cho người dân nghỉ một ngày để tưởng niệm những người hy sinh cho tổ quốc với phương châm tưởng nhớ, đoàn kết và khoan dung. Điều đó cho thấy đề xuất của dự thảo Bộ luật lao động là phù hợp, mang ý nghĩa nhân văn. Hàng năm, cứ đến dịp 27/7, Trung tâm Nuôi dưỡng & điều dưỡng người có công Hà Nội đều tổ chức một buổi tri ân, động viên tinh thần các cụ. Nếu ngày nghỉ lễ Thương binh, liệt sĩ 27/7 được Quốc hội thông qua thì việc lên kế hoạch, chuẩn bị cho các hoạt động của Trung tâm sẽ được làm bài bản và chỉn chu hơn” - ông Chu Đình Điệp - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng & điều dưỡng người có công Hà Nội chia sẻ.
Đồng tình với đề xuất trên của Bộ LĐ-TB&XH, ông Lê Đình Quảng (Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: “Hiện nay, công chức và viên chức đang làm việc 40 giờ/tuần. Trong khi đó, Luật lao động quy định thời gian làm việc không quá 48 giờ/tuần. Tại nhiều doanh nghiệp, người lao động vẫn làm việc tới 44 hoặc 48 giờ/tuần. Do đó, việc có thêm 1 ngày nghỉ cho người lao động là hợp lý, nhằm tái tạo sức lao động”.
Tính về tổng số ngày nghỉ lễ trong năm, ông Lê Đình Quảng cho rằng con số 10 ngày nghỉ lễ hiện nay là “chưa quá nhiều và cũng không quá ít”. Ở Campuchia nghỉ 28 ngày/năm; Brunei 15 ngày/năm; Indonesia 16 ngày; Malaysia 12 ngày, Myanmar 14 ngày, Philippine 12 ngày, Singapore 11 ngày; Thái Lan 16 ngày… Trong khi hiện Việt Nam chỉ 10 ngày/năm…
Đứng ở góc độ phát triển kinh tế, ông Lê Đình Quảng cho rằng, việc nghỉ 1 ngày cũng là cơ hội kích cầu mua sắm, thúc đẩy thương mại và dịch vụ. “Hơn nữa phương án nghỉ vào dịp 27/7 có ý nghĩa riêng. Đây là ngày nghỉ để cả nước tri ân người có công với đất nước với tổ quốc và cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng về những hy sinh của thế hệ cha ông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”- ông Lê Đình Quảng nói.
Trao đổi với phóng viên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết, trong một đất nước hàng triệu người ngã xuống, hàng triệu người bị thương tật vì đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc thì việc chúng ta có hành động tri ân là điều cần thiết và dễ hiểu. “Tuy nhiên có cần thiết phải có thêm một ngày nghỉ trong ngày 27/7 hay không đó là điều Quốc hội cần phải cân nhắc, xét mọi khía cạnh để không ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Vấn đề không phải thêm một ngày mà nghỉ làm sao để có ý nghĩa, nghỉ để hài hòa”- Luật sư Thuận nêu vấn đề.
Ban soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động cho rằng ý kiến đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ (27/7) để tri ân người có công là phù hợp vì ngày này hàng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc, biểu thị lòng tri ân và thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc. Việc đề xuất ngày nghỉ lễ trên cũng tương đồng với phong tục, tập quán lựa chọn ngày nghỉ lễ của nhiều quốc gia. Chẳng hạn Canada, Pháp chọn ngày 11/11 hàng năm để tưởng niệm tất cả người hy sinh vì tổ quốc; Mỹ chọn ngày thứ hai cuối cùng của tháng 5 tri ân tưởng niệm liệt sĩ; Nga có ngày 9/5 mừng Chiến thắng phát xít Đức, trong lễ mừng có tưởng nhớ đến những người hy sinh; Hàn Quốc chọn ngày 6/6 tưởng niệm những người lính Hàn Quốc đã hy sinh... Quy định này cũng phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý dân tộc, nguyện vọng của nhân dân. Ngày nghỉ lễ 27-7 là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ sự tri ân đối với không chỉ những người có công đã hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Qua đó, truyền tải một thông điệp thể hiện sự biết ơn, kính trọng đối với những người có công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh kể từ nay về sau. Qua đó góp phần nâng tầm ý nghĩa của Ngày Thương binh, liệt sĩ, nhằm tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam. Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung ngày nghỉ lễ thực chất là điều chỉnh các ngày nghỉ trong một năm cho hợp lý hơn, đặc biệt trong suốt 4 tháng, từ ngày 2/5 đến ngày 1/9 đang không có ngày nghỉ lễ nào. |