Những bất cập từ chính sách đến thực tế
Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất. Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cơ quan xử lý hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế rất khó xác định hoặc không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác. Luật hiện hành không quy định việc tạm giữ người để theo dõi, làm xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện.
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế thì việc xác định nơi cư trú ổn định là vấn đề khó khăn, các địa phương áp dụng khác nhau (như đến nhà xác định 3 lần vắng mặt thì kết luận là không nơi cư trú; sang địa bàn xã, phường khác sử dụng ma túy thì xác định là không có nơi cư trú....), đặc biệt là các tỉnh phía Nam, gần 100% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định, còn các tỉnh phía Bắc thì đối tượng rất ít.
Luật Phòng, chống ma túy giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Trong khi tại cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, con người còn khó khăn, mà cai nghiện ma túy đòi hỏi chuyên môn cao, do vậy quy định này không phù hợp mang tính hình thức không hiệu quả, các địa phương không thực hiện.
Những trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính không hợp tác thì việc xác định nơi cư trú ổn định của họ là rất khó khăn, nhiều trường hợp bất khả thi. Đồng thời, khi xác định được nơi cư trú thì việc bàn giao theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính là bất khả thi đối với Ủy ban nhân dân cấp xã (về thẩm quyền, về nhân lực, phương tiện, tài chính).
Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định giao cho tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định là không khả thi, bởi hiện nay không có tổ chức xã hội nào có đủ cơ sở vật chất, nhân sự để quản lý người nghiện. Cũng do những vướng mắc của Luật phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính nên việc áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn và việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật từ năm 2015 đến nay cũng không thể giải quyết triệt để được những tồn tại này.
Khoảng trống trong cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
Tại Hội thảo, một vấn đề ‘nóng’ được các đại biểu thảo luận là việc cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (bộ Công an), tại Khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy tử đủ 18 tuổi trở lên, nhưng không quy định về áp dụng biện pháp này đối với nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong khi đó, Khoản 1 Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: "Người nghiện ma túy tử đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ".
Tuy nhiên, việc cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trường hợp này thì không bị coi là áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Vì vậy, để quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật nói chung, người nghiện ma túy nói riêng, tránh sót lọt, trùng đối tượng, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy theo hướng: Chỉ quy định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và được xác định là người nghiện ma túy đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mà bị nghiện ma túy chỉ nên thực hiện các biện pháp cai nghiện kết hợp với quản lý, giáo dục họ tại cộng động, gia đình hoặc cai nghiện tự nguyện nhưng vẫn phải có sự giám sát, tư vấn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương theo chủ trương xã hội hóa để huy động nguồn lực của xã hội và trách nhiệm của cộng đồng đối với những người này.
Bên cạnh đó, đề nghị đưa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vào điều chỉnh của Luật Hình sự (chế tài nghiêm khắc hơn để ngăn chặn, phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội); quy định về chế tài xử lý đối với các trường hợp người nghiện, gia đình người nghiện không khai báo về tình trạng nghiện ma túy.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, chính sách pháp luật về công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy đã đi vào cuộc sống. Công tác cai nghiện được đổi mới toàn diện từ nhận thức đến cách thức triển khai, đa dạng hóa các mô hình. Tuy nhiên, ông Lập cũng nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề còn bất cập trong công tác này như các đại biểu đã nêu. Thời gian tới, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính về các chính sách liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma tuý; đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính sách về dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện ma tuý.