Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đề xuất tăng chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế

Bộ Y tế đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ nhân viên y tế và học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nhiên

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nhiên

Sáng 21/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”.

Tại Hội nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế về chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế; chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo và với các ngành, lĩnh vực khác.

Trước thực trạng nhân viên y tế bỏ việc thời gian qua, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, từ đầu năm 2021 đến 30/6/2022, có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gồm 8.692 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 775 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Trong số này có 2.989 bác sĩ, 2.907 điều dưỡng, 561 kỹ thuật y và 3.010 viên chức y tế khác...

“Điều này, về lâu dài sẽ tác động đến việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của hệ thống y tế và bảo đảm công bằng của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh”, lãnh đạo Bộ Y tế nhận định.

Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Đồng thời đề xuất Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Chia sẻ về những khó khăn của ngành y, ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chế độ chính sách cho nhân viên y tế hiện nay chưa phù hợp và lạc hậu so với thực tế hiện nay.

Cụ thể: Mức phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật được thực hiện theo Quyết định 73 năm 2011. Hơn 10 năm, mức chi phụ cấp này đã không còn phù hợp. Cụ thể, mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng Đặc biệt. Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính. "Một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài từ 4 tới 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ như phẫu thuật tim liên quan đến động mạch chủ vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính thật sự không tương xứng với sức lao động của người bác sĩ", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Do đó, các bệnh viện đề xuất phải thay đổi tăng mức phụ cấp cho người lao động, tái tạo sức lao động đặc biệt là lao động về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân…

Cũng tại Hội nghị, quyền Bộ trưởng tiếp tục đề xuất công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc COVID-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, suốt hơn hai năm chống dịch COVID-19, đã có ít nhất 10 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên) tử vong trong quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch.