Ảnh minh họa
Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung được điều chỉnh.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo luật và từng có nhiều ý kiến trái chiều là khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra phương án mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định sẽ tăng từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc mở rộng khung thỏa thuận sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động (NLĐ) và góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi tiền lương của NLĐ
Theo ban soạn thảo, kinh nghiệm quốc tế thì xã hội càng hiện đại, nước càng giàu thời giờ làm việc càng ngắn, nước có năng suất lao động càng cao thì số giờ làm việc của NLĐ càng thấp và ngược lại… Qua đó, nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực để góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành mức đề xuất… Mức tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động (mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm) và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.
Để khắc phục, dự thảo luật quy định trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ.
Đặc biệt, bảo đảm số giờ làm thêm trong một ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Các quy định này sẽ bảo đảm tổng thời gian làm việc trong ngày của người lao động là không quá 12 giờ (kể cả thời giờ làm thêm) và người lao động sẽ được nghỉ ngơi ít nhất 12 giờ mỗi ngày.
“Bên cạnh đó, tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết. Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định. Việc trả lương lũy tiến cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận…”, Bộ LĐ-TB&XH thông tin.
Được biết, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến đến 28-6. Theo lộ trình, dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.