Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT; huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; vận động và hỗ trợ để học sinh, sinh viên hộ gia đình có mức sống trung bình mua BHYT, góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT. bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành chủ động tổ chức thực hiện phát triển đối tượng và tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương trong tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT để đạt được chỉ tiêu tham gia BHYT tại địa phương.
Người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Theo kết quả triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, đến cuối năm 2014 toàn quốc đã đạt tỷ lệ 71,6% dân số tham gia BHYT. Quỹ BHYT đã thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng như: Người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn... góp phần trực tiếp giảm tỷ lệ chi tiền của người dân khi đi khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, tiếp cận các dịch vụ y tế.
Trước đó, tại hội nghị đầu năm nay về tình hình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Người bệnh được khám chữa bệnh và khi có bệnh hiểm nghèo được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất, đây là mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới, đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa chủ trương thực hiện BHYT toàn dân. Khắc phục những hạn chế, phấn đấu quyết liệt nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khám chữa bệnh, bảo đảm cho người tham gia BHYT được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao và chi phí của người bệnh giảm.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, giải pháp hiện có nhằm tạo mọi thuận lợi trong thực hiện chủ trương về BHYT toàn dân. Nghiêm túc thực hiện BHYT đối với các đối tượng bắt buộc. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền vận động mua bảo hiểm để tăng dần tỷ lệ hộ cận nghèo có BHYT; vận động, tập trung thực hiện BHYT đối với các đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo... để góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, đến cuối năm 2015 có 75,4% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ này sẽ tăng dần qua các năm, đến năm 2016 là: 78%, năm 2017 là: 79,8%, năm 2018 là: 81,4%, năm 2019 là: 82,5% và đến năm 2020 đạt 84,3%. Hiện nay, một số địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT cao gồm: Điện Biên 99%; Hòa Bình 99%; Tuyên Quang 98,6%; Lào Cai 98,6%; Hà Giang 98,2%; Thái Nguyên 98,2%; Sơn La 98%.... |