* Thưa ông, ông có thể cho biết thành tựu nổi bật nhất của TP.HCM trong những năm qua?
- 40 năm qua, từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đến nay cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi và đạt được những thành tựu lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển. Quy mô nền kinh tế đã tăng lên gấp nhiều lần, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển, đời sống người dân được nâng cao. Người dân thành phố ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đây là nhân tố chính tạo nên thành công của công cuộc đổi mới.
Trong 10 năm đầu (1975-1985), TP. Hồ Chí Minh đã vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp của những năm sau giải phóng, đã giữ vững chính quyền, hình thành quan hệ sản xuất mới, ổn định và duy trì sản xuất trong bối cảnh đất nước bị đe dọa bởi chiến tranh biên giới.
Ông Lê Hoàng Quân Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.
30 năm tiếp theo, kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986)- Đại hội của đổi mới đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất từ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu về đổi mới cơ chế quản lý, góp phần hoàn thành các chính sách đổi mới của Trung ương. Các thành phần kinh tế tiếp tục được phát triển, kinh tế nhà nước được sắp sếp lại và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; kinh tế tập thể ngày càng được củng cố và mở rộng; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh chóng, trở thành kênh đầu tư quan trọng, góp phần ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Mối quan hệ giữa TP. Hồ Chí Minh và cả nước ngày càng mở rộng và gắn kết chặt chẽ; những nỗ lực của Thành phố đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Bộ mặt thành phố đổi thay từng ngày theo chiều hướng tích cực. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được ưu tiên đầu tư đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân thành phố.
Năm 2014, GDP của TP. Hồ Chí Minh chiếm 20% GDP của cả nước, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu chiếm 30% cả nước. GDP bình quân đầu người đạt 5.131 USD năm 2014, dự kiến đạt 5.826 USD/người trong năm nay.
TP. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 280.000 lượt lao động, trong đó tạo mới trên 120.000 chỗ làm. Tỉ lệ thất nghiệp ước giảm xuống còn 4,5% trong năm 2015. Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá đã hoàn thành trước 2 năm theo Nghị quyết Đai hội, dự kiến còn dưới 1% hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới.
Hầm Thủ Thiêm kết nối hai bờ sông và giảm tải cho cầu Sài Gòn- Công trình được đánh giá là hầm vượt hiện đại nhất Đông Nam Á.
* Vậy, bài học lớn nhất được rút ra trong quá trình lãnh đạo thành phố để có được kết quả như ngày hôm nay là gì, thưa ông?
- Theo tôi, đầu tiên là việc quán triệt sâu sắc các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với quy luật, đặc điểm và thực tiễn tình hình, tập trung chỉ đạo bảo đảm giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống. Mọi chính sách phải đảm bảo an dân, dựa vào dân, phát huy và bồi dưỡng sức dân; chăm lo củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt, xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh để giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Tiếp đó là bài học về phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trên mọi lĩnh vực, thiết thực chăm lo, cải thiện đời sống cho nhân dân; chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước để phục vụ mục tiêu phát triển Thành phố; trong đó nội lực là chủ yếu, ngoại lực là quan trọng. Để phát huy nội lực, trước hết phải phát huy tốt tiềm năng nguồn lực con người, nguồn lực toàn xã hội, nhất là tiềm năng vật chất, trí tuệ và tinh thần của nhân dân, của các thành phần kinh tế, chú trọng phát huy, vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước để chủ động điều tiết, chi phối thị trường trong trường hợp cần thiết, giữ vững phát triển kinh tế - xã hội đúng định hướng XHCN, kết hợp việc vận động thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả xây dựng.
Bài học về công tác kiểm tra, giám sát cũng rất quan trọng, nhằm thực hiện tiến độ thực hiện các chủ trương, chính sách được chú trọng và kịp thời phản ánh những bất cập của chính sách, cơ chế, những lỗ hổng trong quản lý và các hành vi vi phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực để kịp thời chấn chỉnh và hoàn thiện. Cùng với đó là thường xuyên chăm lo công tác cán bộ, vì đây là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, địa phương. Thực tế cho thấy, nơi nào quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí đúng cán bộ thì nơi đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chợ Bến Thành, biểu tượng thương mại của Sài gòn- TP. Hồ Chí Minh.
* Năm 2015 có ý nghĩa quan trọng với nhiều sự kiện kỷ niệm lớn của đất nước và TP. Hồ Chí Minh, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hổi Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 -2015). Thưua ông, chính quyền TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào những vấn đề gì để tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, xã hội của cả nước?
Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh tập trung vào một số mục tiêu cụ thể sau:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt từ 9,5 - 10%/năm và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5 - 9%/năm.
- Quy mô dân số đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người (không kể khách vãng lai và người tạm trú).
- Năm 2015 sẽ giải quyết 120.000 chỗ làm việc mới; đến năm 2020 sẽ tạo ra 125.000 chỗ làm việc mới và năm 2025 là 130.000 chỗ làm việc mới. Từ năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp kéo giảm xuống còn dưới 4%.
- Đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm.
Với truyền thống năng động và sáng tạo, TP. Hồ Chí Minh sẽ phát huy những thời cơ và thuận lợi, vượt qua những khó khăn và thách thức, xây dựng địa phương văn minh, hiện đại, nghĩa tình với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, 125 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9, lãnh đạo Thành phố trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành đã quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, đóng góp công sức, trí tuệ, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân thành phố, đồng bào cả nước và kiều bào yêu nước đã đồng hành, chia sẻ, chung sức, đồng lòng góp phần xây dựng TP. Hồ Chí Minh là Thành phố anh hùng – Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu.
* Trân trọng cảm ơn ông !