Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp phải gắn đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ.
Trong số 205,80 nghìn ha đất khu công nghiệp, có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng gồm giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh...
Đông Nam Bộ sẽ là vùng có diện tích đất khu công nghiệp lớn nhất nước. Dự kiến đến năm 2030 có 59,01 nghìn ha (127 khu công nghiệp), tăng 24,77 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 28,67% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Tiếp đó là Đồng bằng sông Hồng 52,21 nghìn ha (142 khu công nghiệp), chiếm 25,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 47,93 nghìn ha (111 khu công nghiệp) chiếm 23,29%; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 27,74 nghìn ha (103 khu công nghiệp) chiếm 13,48%.
Hai vùng có diện tích ít nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 7,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước và Vùng Tây Nguyên chiếm 1,81%.
Theo dự thảo, việc hình thành các khu công nghiệp trên các địa bàn lãnh thổ phải đáp ứng các điều kiện về chất lượng và quy mô khu công nghiệp. Phát huy được thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành. Tăng cơ hội thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các khu công nghiệp phải là nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Phát triển hệ thống các khu công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn.
Đối với các địa phương đã phát triển khu công nghiệp, việc điều chỉnh, bổ sung thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp chỉ được thực hiện khi tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp hiện có đã được cho thuê ít nhất là 60% và đã xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung. Đồng thời phải luận chứng rõ được sự cần thiết, tính khả thi, đóng góp đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.