Kế hoạch xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện tiến độ, hiệu quả đề án trên. Trong đó đáng chú ý, về xây dựng các mô hình học tập trong xã hội, thành phố phấn đấu đến năm 2025: 50% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% đơn vị được công nhận là đơn vị học tập; 40% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đến năm 2030, có 70% công dân thành phố đạt danh hiệu công dân học tập; 70% đơn vị được công nhận là đơn vị học tập; 60% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập; thành phố được công nhận danh hiệu “Thành phố học tập”.
Về nhiệm vụ, giải pháp, các cấp, các ngành thành phố sẽ: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập; hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức các phong trào, cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa...
UBND thành phố giao các sở, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (cơ quan thường trực đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”) triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tham gia nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ…
UBND các quận, huyện, thị xã thành lập bộ phận chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 tại địa phương; xây dựng kế hoạch xây dựng xã hội học tập, các mô hình học tập, ngành nghề đào tạo, các nghề đặc thù phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của từng địa phương đến năm 2030.