Đây là một trong những nội dung trao đổi tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ngày 17/6.
Tại buổi buổi làm việc,Giám đốc WB tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam xây dựng các chính sách hướng tới an sinh xã hội toàn dân, tận dụng những ưu việt của công nghệ số.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp và làm việc với bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại VN về hợp tác trong lĩnh vực việc làm, an sinh xã hội.
Mục tiêu bao phủ BHXH đạt 60%: Thách thức, nhưng đạt được
Khẳng định cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ LĐ-TB&XH trong việc cải cách hệ thống hưu trí, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết: "Theo kinh nghiệm thực tiễn quốc tế, thì cải cách hưu trí rất phức tạp, và quá trình cải cách hệ thống hưu trí đòi hỏi chúng ta phải cải cách các tham số cũng như thúc đẩy hơn nữa hệ thống này trong tương lai".
Vì thế, để tăng tỷ lệ bao phủ của hệ thống hưu trí, theo bà Carolyn Turk, rõ ràng chúng ta phải tăng sự tham gia của cả lao động khu vực chính thức, và phi chính thức.
"Trong đó, sự tham gia của khu vực phi chính thức sẽ là thách thức trong tương lai", bà Carolyn Turk nhấn mạnh thêm.
Do đó, "việc Chính phủ đề ra mục tiêu tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm xã hội đến năm 2030 đạt 60%, là một mục tiêu đầy khó khăn, thách thức", tuy thế, WB cam kết sẵn sàng hợp tác để "Bộ LĐ-TB&XH thực hiện được chỉ tiêu đó".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 28 xác định rõ định hướng phát triển BHXH đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội vào năm 2030.
"Biết rõ đây là chỉ tiêu rất cao, chúng tôi vẫn quyết tâm đặt ra, và tin tưởng sẽ đạt được vì có cơ sở thực tiễn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm.
Để minh chứng, Bộ trưởng phân tích, theo tính toán, Việt Nam còn khoảng 3 triệu người lao động chưa có BHXH, với gần 300 ngàn doanh nghiệp đang trốn đóng, chậm đóng BHXH;
Thứ nữa Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có quy định người lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng - có cam kết lao động thì buộc phải đóng bảo hiểm; và tiến tới sẽ kết nối thuế. Thuế và BHXH phải liên kết với nhau…
Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, nếu thực hiện 11 nhóm giải pháp cải cách BHXH, giảm dần nhóm đóng BHXH, giảm số năm đóng BHXH, rồi mức độ tiền đóng có thể thấp hơn… thì đã tăng mạnh diện bao phủ BHXH rồi. Đặc biệt, tập trung sâu hơn vào chính sách phát triển BHXH tự nguyện.
Có thể nói, với cách làm sáng tạo, đột phá, BHXH tự nguyện trong 2 năm qua phát triển vượt bậc. Chỉ tính riêng trong năm 2019, sau khi Nghị quyết số 28 được triển khai, BHXH tự nguyện đã ghi nhận sự đột phá ấn tượng, với số người tăng mới gần 300 nghìn người, bằng 10 năm trước cộng lại.
Chưa dừng lại ở đấy, tính đến hết năm 2020, BHXH tự nguyện đạt con số khoảng 1,1 triệu người tham gia, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm trước.
Nếu thực hiện tốt những vấn đề nêu trên, Bộ trưởng khẳng định, "tỷ lệ tham gia BHXH sẽ đạt mục tiêu đề ra".
Theo đó, thời gian tới, một trong những luật ưu tiên sửa sẽ là Luật Bảo hiểm xã hội.
Hiện nay, Việt Nam mới khoảng hơn 20% dân số được hưởng lưới an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, chủ trương tiến tới an sinh xã hội toàn dân, xây dựng một sàn an sinh, lưới an sinh để đảm bảo mọi người dân khi về già đều được thụ hưởng, vì thế, Lãnh đạo Bộ mong muốn, WB hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong sửa luật Bảo hiểm xã hội này.
"Làm sao giải quyết được hai "chuyện": Chính sách thông thoáng, cởi mở, đạt mục tiêu số người tham gia BHXH; và để người dân về già có lương hưu", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
GDNN: Phải thực hiện chuyển đổi số với tốc độ "phi mã"
Liên quan đến Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tuy thời gian qua có nhiều tiến triển, đột phá, và mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70 %, nhưng hiện đào tạo lao động có chứng chỉ mới đạt 24 %. Để phát triển lĩnh vực này hơn nữa, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, "cần có hỗ trợ rất lớn từ phía WB".
Đó là một dự án đầu tư phát triển nền học tập kỹ thuật số, nâng cấp mô hình đào tạo. "Tôi cũng đã nói với Tổng Cục GDNN phải thực hiện mô hình chuyển đổi số nhanh nhất, hoàn thiện với tốc độ phi mã", vì vậy ông đề nghị WB ưu tiên cho chương trình này, và đây là nền tảng của sự phát triển, chuyển đổi nhanh lĩnh vực GDNN.
Về phía WB, bà Carolyn Turk chia sẻ, lĩnh vực GDNN đang đối mặt với thách thức khi phải nâng cao kỹ năng nghề không chỉ ở Việt Nam mà đây là vấn đề của các quốc gia khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thị trường lao động cũng phải thay đổi để đáp ứng.
Do đó, theo Giám đốc WB tại Việt Nam, cái khó ở đây là làm thế nào đảm bảo hệ thống GDNN có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khu vực tư nhân, doanh nghiệp về kỹ năng và tay nghề.
"Vì thế, đòi hỏi Bộ LĐ-TB&XH làm sao cung cấp kỹ năng và trình độ tay nghề ngày càng cao, phù hợp nhu cầu của nền kinh tế. Cùng với các thay đổi đó, thì rất cần nền tảng số, công nghệ số để tổ chức GDNN một cách linh họat. Đây thực sự là một thách thức trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế rất nhanh của Việt Nam hiện nay".
"Do đó, WB sẵn sàng phối hợp, hợp tác với Bộ trong lĩnh vực GDNN theo yêu cầu của Bộ", bà Carolyn Turk cam kết.
Tiến tới mỗi người dân có một thẻ an sinh
Đáng chú ý, tại buổi làm việc này, lãnh đạo Bộ tiếp tục đưa ra mong muốn bấy lâu của ông về việc Việt Nam đang cần một hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và BHXH, để tiến tới mỗi người dân có một chiếc thẻ an sinh tích hợp được tất cả các yếu tố y tế, dân cư, BHXH…
Vì thế, về lâu dài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn WB cùng đồng hành trong việc xây dựng thẻ an sinh cho người dân với tính năng tích hợp các thông tin trên. "Để làm được điều đó, phải có một đề án để xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể này".
Tại buổi gặp, Giám đốc WB tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá cao những điểm sáng nổi bật của của Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua; nhấn mạnh Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm nay "là bước tiến lớn của Việt Nam".
Ngoài ra, bà cũng đánh giá cao việc ban hành Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức hỗ trợ cho người cao tuổi hàng tháng, thanh toán điện tử trợ giúp xã hội… với rất nhiều nội dung quan trọng và nội dung mới được thể hiện trong Nghị định này.
"Đây cũng là một phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam", bà Carolyn Turk nói.