Theo TTXVN, số liệu thống kê trên trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 570.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 90 triệu ca, trong đó trên 1,94 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 182.000 ca), Anh (54.940 ca) và Brazil (29.792 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.533 ca), Mexico (1.135 ca) và Anh (563 ca).
Các con số trên cho thấy bất chấp chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh COVID-19 đang được đẩy mạnh, tình hình dịch bệnh dường như chưa có dấu hiệu cải thiện khi các nước toàn thế giới tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong tăng mạnh.
VTV cũng đưa tin, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 22,8 triệu ca mắc và hơn 382.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 158.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, trên 10,4 triệu người đã nhiễm bệnh với gần 151.200 trường hợp thiệt mạng. Ngày 10/1, Ấn Độ báo cáo trên 16.000 người mắc mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 29.700 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên trên 8,1 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 203.100 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Nga cùng ngày thông báo có thêm hơn 22.800 ca mắc mới COVID-19. Như vậy, tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Nga là trên 3,4 triệu trường hợp, cao thứ tư thế giới. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 456 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa số trường hợp không qua khỏi lên hơn 61.800 bệnh nhân.
Nhằm làm chậm đà lây lan của làn sóng COVID-19 thứ hai, Thụy Điển đã ban hành Luật chống dịch COVID-19, chính thức có hiệu lực từ ngày 10/1. Luật này cho phép Chính phủ Thụy Điển đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trung tâm mua sắm hoặc phương tiện giao thông công cộng trong thời gian cách ly. Bên cạnh đó, Chính phủ Thụy Điển cũng có thể đặt ra giới hạn về số lượng người được phép tụ tập ở một số nơi công cộng. Luật cũng cho phép phạt những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Tính tới nay, Thụy Điển ghi nhận gần 478.000 ca mắc, trong đó có trên 8.200 trường hợp tử vong.
Không chỉ châu Âu, dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á. Một số nước trong khu vực ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới trong thời gian ngắn. Ngày 10/1, Indonesia thông báo, nước này có thêm hơn 9.600 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên hơn 828.000 trường hợp. Dịch COVID-19 đã lây lan trên toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Hơn 24.100 người đã tử vong vì dịch bệnh ở quốc gia này.
Thái Lan đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất với hơn 200 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày, chủ yếu là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện 57 tỉnh của Thái Lan đã ghi nhận các ca mắc COVD-19. Chính phủ Thái Lan đã xếp thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác là "vùng đỏ", tức là vùng áp dụng mức kiểm soát dịch tối đa. Hiện gần 10.300 người đã nhiễm bệnh ở Thái Lan, bao gồm 67 ca tử vong.
Ngày 10/1, Trung Quốc đại lục thông báo thêm 69 ca mắc mới COVID-19, cao gấp hơn 2 lần con số 33 ca ghi nhận một ngày trước đó. Hiện Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng hơn 87.400 ca mắc, trong đó có 4.634 bệnh nhân tử vong. Nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo, nước này tiếp tục đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ quốc gia châu Âu này.
Nhật Bản cùng ngày thông báo đã ghi nhận thêm hơn 7.600 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên trên 280.700 trường hợp. Tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản hiện là gần 4.000 ca. Trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm trong cả nước và diễn biến phức tạp, lãnh đạo các địa phương như Osaka, Hyogo, Kyoto cùng kiến nghị Chính phủ nước này ban bố tình trạng khẩn cấp tại những vùng này.