Theo TTXVN, số liệu thống kê từ trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 224.586.147 ca, trong đó có 4.628.847 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Nhiều nước Á - Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 201 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 103.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 10/9, thế giới có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 41.729.799 ca mắc và 676.346 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 442.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 20 triệu ca bệnh, trong đó có 585.828 ca tử vong.
Tại Đông Bắc Á, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa xác nhận 18 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Eta của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm.
Ngày 9/9, nước này chỉ ghi nhận thêm 10.397 ca mắc mới trên toàn quốc, giảm 2.001 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch cơ bản về nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 trên cơ sở đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine.
Tại châu Đại Dương, lần đầu tiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Australia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lên tới 1.900 ca. Riêng bang tâm dịch New South Wales (NSW) trong ngày 10/9 phát hiện 1.542 ca mới, vượt con số cao nhất ghi nhận trong tuần trước là 1.533 ca. Đáng lo ngại, số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện tại Sydney trong 2 tuần qua đã tăng gấp 2 lần, lên 6.000 ca. Thực tế này gia tăng sức ép lên ngành y tế.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/9 đã đưa Nhật Bản, Albania, Armenia, Azerbaijan, Brunei và Serbia ra khỏi danh sách đi lại an toàn, đồng nghĩa với việc người nhập cảnh EU từ nhóm 6 nước trên sẽ phải chịu các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn như xét nghiệm COVID-19 và cách ly. Hiện danh sách đi lại an toàn trong dịch COVID-19 của EU còn 12 quốc gia, trong đó có Australia, Canada và Saudi Arabia.
Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo lần đầu tiên trong 2 tháng qua, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã giảm dưới ngưỡng nguy cơ cao 150 ca/100.000 dân theo quy định của cơ quan này. Tính đến ngày 9/9, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 4.903.021 ca mắc, bao gồm 85.218 ca tử vong. Với tỷ lệ người tiêm chủng vaccine đạt hơn 70% dân số, chính quyền trung ương và các địa phương của Tây Ban Nha đã nhất trí cho phép các trung tâm thể thao ngoài trời như được tăng số lượng người tham gia trong tháng 9 này.
VTV cũng đưa tin, tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia cho biết từ ngày 31/3 đến ngày 9/9, Viện Pasteur Campuchia đã phát hiện 3.731 trường hợp nhiễm biến thể Delta tại 24/25 tỉnh thành phố trên cả nước, tỉnh Kep là tỉnh duy nhất chưa phát hiện ca nhiễm biến thể này. Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân không lơ là cảnh giác, thay đổi lối sống và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời kêu gọi công dân và trẻ em trên 12 tuổi đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Dựa trên tỷ lệ lây nhiễm có xu hướng giảm ổn định và tỷ lệ tiêm chủng tại thủ đô Phnom Penh, chính quyền thủ đô ngày 10/9 thông báo toàn bộ các trường trung học công lập và tư thục ở thành phố sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 15/9.
Bộ Y tế Lào ngày 10/9 ghi nhận 194 ca mắc mới COVID-19, trong đó 108 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 86 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 16.936 ca mắc COVID-19, trong đó có 16 người tử vong. Bộ Y tế Lào đang lo ngại nguy cơ dịch bùng phát mạnh khi tiếp tục ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng tại một số tỉnh như Champasak, Khammuan, Savannakhet, Bokeo.
Lào tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh: Báo Nhân dân
Thái Lan thông báo nước này có thêm 14.403 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 189 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 1.352.953 ca, trong đó có 13.920 người không qua khỏi. Số người tử vong vì COVID-19 hàng ngày tại Thái Lan đã giảm xuống dưới ngưỡng 200 so với mức kỷ lục 312 trường hợp được ghi nhận hôm 18/8. Bộ Y tế vẫn dự kiến đề nghị Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm hiện nay tại các tỉnh trong vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát đặc biệt và tối đa cho tới cuối tháng này.
Ủy ban Liên bộ chống COVID-19 Singapore (MTF) cho biết từ ngày 14/9/2021, Bộ Y tế nước này sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 bổ sung đối với 2 nhóm người là người từ 60 tuổi trở lên (bao gồm cả những người già thuộc các cơ sở chăm sóc người cao tuổi) và những người bị suy giảm miễn dịch mức độ từ vừa phải đến nghiêm trọng. Singapore cũng sẽ tiếp tục triển khai chính sách cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà sau khi ghi nhận những kết quả tích cực.
Hôm qua, Malaysia đã quyết định chuyển thêm bang Selangor, thủ đô Kuala Lumpur và thành phố Putrajaya sang giai đoạn 2 Kế hoạch phục hồi quốc gia. Theo đó, các hạn chế được áp dụng trong 9 tháng qua sẽ được dỡ bỏ, người đã tiêm chủng có thể di chuyển giữa các địa phương thuộc tiểu bang và liên bang. Các điểm kiểm soát trên các đường giao thông cũng đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, người dân được nhắc nhở tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Tình hình dịch bệnh tại Israel có xu hướng lắng dịu hơn khi số ca bệnh nặng và tỷ lệ lây nhiễm đều giảm. Theo đó, hệ số lây nhiễm R hiện đã giảm còn 0,8, cho thấy dịch bệnh đang có xu hướng thu hẹp. Trong khi số ca nặng giảm còn 672 trường hợp, hơn một nửa trong số này là chưa tiêm phòng. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại đối với Israel hiện nay là số học sinh phát hiện bị mắc COVID-19 hoặc phải cách ly tăng mạnh sau khi năm học mới khai giảng hôm đầu tháng. Trong số các ca mắc mới được phát hiện, học sinh chiếm tới hơn một nửa.
Vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã áp dụng các biện pháp hạn chế ngăn dịch bệnh. Trong ảnh là những khách đang phải rời khỏi một khu vực tiệc tùng nổi tiếng ở thành phố Barcelona, vùng Catalonia vào rạng sáng 4/7 - Ảnh: AP
Tại Anh, Nghị viện Scotland đã phê chuẩn quy định từ ngày 1/10 cấp "hộ chiếu" vaccine COVID-19 cho người tham gia các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như câu lạc bộ đêm hay lễ hội âm nhạc. Theo đó, người tham gia các sự kiện lớn hoặc các hoạt động tập trung đông người sẽ phải trình chứng nhận tiêm chủng.
Cùng ngày, Cơ quan Tiêm chủng thường trực của Đức (STIKO) đã ra khuyến nghị nên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả phụ nữ mang thai. Theo cơ quan này, phụ nữ mang thai không những có nguy cơ bệnh trở nặng hơn khi mắc COVID-19 mà còn có nguy cơ sinh non, do vậy nhóm đối tượng này được khuyến cáo lập tức đi tiêm phòng bất kể có bệnh nền hay không.