Theo TTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 388.447 trường hợp mắc COVID-19 và 10.699 ca tử vong.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 175.994.713 ca, trong đó có 3.799.293 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 159.881.938 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 12.313.482 ca và 84.459 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 11/6, thế giới có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 93 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, số ca tử vong lại tăng vọt trở lại ở Ấn Độ.
Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 34. 287.813 ca mắc và 614.402 ca tử vong. Đáng chú ý, công ty du lịch Royal Caribbean của Mỹ vừa thông báo hai hành khách trên tàu du lịch Celebrity Millennium có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Brazil hiện vẫn là điểm nóng dịch bệnh COVID-19 lớn thứ 3 trên thế giới. (Ảnh: AP)
VTV cũng đưa tin, các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/6 đã nhất trí giảm bớt các hạn chế đi lại trong mùa hè này, cho phép du khách tiêm chủng đầy đủ không phải xét nghiệm hoặc cách ly và mở rộng danh sách các khu vực trong EU được đánh giá là an toàn. Đại sứ của 27 nước thành viên EU thông qua đề nghị sửa đổi từ Ủy ban châu Âu rằng, những người tiêm chủng đầy đủ qua 14 ngày có thể tự do đi lại từ một nước này đến một nước khác trong EU. Hạn chế đối với những người đi lại khác cần phải dựa trên mức độ kiểm soát dịch bệnh tại quốc gia mà người đó xuất phát.
Các quy định mới này đưa ra trong bối cảnh hơn 1/4 người trưởng thành tại EU đã tiêm chủng đầy đủ và hơn 1 triệu người ở EU đã nhận được "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID", công cụ được đề xuất với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU.
Mặc dù số ca nhiễm và tử vong mới trong dịch COVID-19 đang giảm trên toàn châu lục nhưng người phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge, vẫn cảnh báo, châu Âu chưa qua cơn nguy hiểm, do vậy người dân di chuyển có trách nhiệm trong kỳ nghỉ hè.
Nga ghi nhận 12.505 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên trên 5,18 triệu trường hợp. Ủy ban phòng chống dịch của Chính phủ Nga cho biết, có thêm 396 người tử vong do COVID-19, đưa tổng số người không qua khỏi lên 125.674 bệnh nhân. Tuy nhiên, Cục Thống kê liên bang Nga đưa ra con số tử vong riêng là 270.000 người tính từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021.
Đức đã chính thức giới thiệu chứng chỉ vaccine điện tử để có thể sử dụng trên khắp châu Âu vào mùa du lịch này. Trong những ngày tới, các trung tâm tiêm chủng, bác sĩ, nhà thuốc sẽ bắt đầu cấp thẻ kỹ thuật số cho những người đã tiêm chủng đầy đủ. Những người đã tiêm chủng sẽ nhận được thư xác nhận kèm mã QR để tải ứng dụng có tên CovPass trên ứng dụng điện thoại thông minh. Người dùng sau đó có thể sử dụng chứng chỉ này để vào các nhà hàng, viện bảo tàng hoặc các địa điểm khác có yêu cầu về chứng nhận chủng ngừa.
Theo giới chức y tế Đức, vào cuối tháng 6 này, tất cả những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ được cấp chứng chỉ vaccine điện tử trên. Đến nay, hơn 39 triệu người, khoảng 47% dân số Đức, đã tiêm ít nhất 1 liều, gần 20 triệu người đã tiêm đủ 2 liều. Đức ghi nhận trên 3,7 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm khoảng 90.400 trường hợp tử vong.
Ngày 11/6, Đức đã dỡ bỏ một số nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Canada, Thụy Sĩ, Áo và một số khu vực ở Hy Lạp khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ về đi lại. Trong thông báo ra ngày 11/6, Viện Robert Koch cho biết, quyết định trên sẽ có hiệu lực vào ngày 13/6 tới.
Đức đã chính thức giới thiệu chứng chỉ vaccine điện tử. (Ảnh: AP)
Nam Phi đã chính thức bước vào làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 3 khi số ca nhiễm mới tăng trở lại, trong khi công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 chậm trễ làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bệnh lần này có thể đe dọa hệ thống y tế nước này. Viện Dịch bệnh truyền nhiễm Nam Phi ngày 10/6 đã đưa ra thông báo chính thức về làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại nước này, theo đó cho biết, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua đã lên tới lên 5.959 trường hợp, vượt ngưỡng số người bệnh quy định về làn sóng dịch bệnh mới mà Ủy ban giám sát y tế quốc gia đề ra.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Nam Phi, trong 24 giờ qua, nước này đã phát hiện hơn 9.400 ca nhiễm mới, gần bằng mức đỉnh dịch trong làn sóng dịch bệnh thứ 2 tại nước này hồi tháng 12/2020. Thời tiết lạnh giá vào mùa đông tại Nam Phi khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ số ca nhiễm mới gia tăng trở lại tại quốc gia vốn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nặng nề nhất của "lục địa đen" này.
Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các quy định giãn cách xã hội hiện tại thêm 3 tuần, đến ngày 4/7. Theo đó, khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận vẫn áp dụng giãn cách xã hội mức 2, các địa phương còn lại ở mức 1,5, cùng với lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên trên toàn quốc. Việc gia hạn được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn dao động từ 400 - 700 trường hợp/ngày.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc có thêm 556 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại nước này lên hơn 146.800 trường hợp, trong đó có 1.981 bệnh nhân thiệt mạng. Để ứng phó với dịch bệnh, Hàn Quốc đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Đến nay, có khoảng 20% dân số Hàn Quốc được tiêm ít nhất 1 mũi. Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 14 triệu người vào cuối tháng 6 và 36 triệu người vào tháng 9 tới để đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Malaysia đã quyết định kéo dài thêm hai tuần lệnh phong tỏa toàn diện tại nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng An ninh quốc gia do Thủ tướng Muhyiddin Yassin chủ trì vào ngày 11/6, đại diện Bộ Y tế nước này đã đề xuất kéo dài lệnh phong tỏa toàn diện hiện nay thêm hai tuần, từ ngày 15 - 28/6 và đề xuất trên đã được thông qua tại phiên họp. Nguyên nhân chủ yếu là do số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày vẫn cao hơn 5.000 trường hợp và tới ngày 10/6, bình quân số ca mắc mới theo ngày là 6.871 người. Quyết định của Chính phủ Malaysia được cho là phù hợp với khuyến nghị của các chuyên gia y tế nước này.
Ngày 11/6, Malaysia xác nhận 6.849 ca mắc COVID-19. Như vậy, đến nay, Malaysia có trên 646.400 người nhiễm, 3.768 bệnh nhân tử vong do COVID-19.
Chính phủ Phillipines đang chủ trương đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, khi nước này đã ghi nhận gần 1,3 triệu ca nhiễm, cao thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Trong tuần này, Philippines đã bắt đầu tiêm chủng cho khoảng 35 triệu người lao động không làm việc tại nhà.
Tại Philippines, nhóm người lớn tuổi chiếm tới 4/5 tổng số ca tử vong do COVID-19. Đây cũng là một trong những nhóm người được ưu tiên trong chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 1,54 triệu người, tương đương 16% trong tổng số 9 triệu người lớn tuổi ở nước này được tiêm chủng mũi đầu tiên.
Từ đầu tháng 7, người dân Thái Lan về nước từ nước ngoài bằng đường hàng không sẽ phải trả chi phí cách ly nhưng vẫn được hưởng quyền lợi về y tế và chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, giới chức y tế Thái Lan đang lên kế hoạch đóng cửa các cơ sở cách ly của nhà nước dành cho người dân trở về từ nước ngoài bằng đường hàng không vào cuối tháng 6 nhằm tránh tình trạng lạm dụng. Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái lan (NSC) kiêm Giám đốc phụ trách hoạt động của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Nattapon Nakpanich cho biết, thay đổi nói trên là cần thiết vì có nhiều người lạm dụng hệ thống cách ly của nhà nước, đi lại nhiều lần ra và vào Thái Lan. Thậm chí, một số người đã thực hiện tới 10 chuyến đi, gây ra gánh nặng tài chính không cần thiết đối với nhà nước.
Đến nay, tổng số các ca nhiễm ở Thái Lan là 189.828 trường hợp. (Ảnh: AP)
Ngày 11/6, Thái Lan ghi nhận 2.290 ca nhiễm mới cùng 27 trường hợp tử vong. Đến nay, tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay ở Thái Lan là 189.828 trường hợp, trong đó có 1.402 bệnh nhân không qua khỏi. Chính phủ Thái Lan cho biết, 8,3% trong số 50 triệu người dự kiến tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nước này đã được tiêm ít nhất là mũi đầu tiên. Đến nay, tất cả các nhân viên y tế của Thái Lan đã được tiêm mũi đầu tiên, 85,4% trong số đó được tiêm mũi thứ hai. Theo một quan chức Bộ Y tế Thái Lan, với tốc độ hiện nay, nước này có thể tiêm 400.000 liều vaccine mỗi ngày và Chính phủ cần ký thêm hợp đồng để có thêm vaccine.
Một ổ dịch lớn vừa được phát hiện tại một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia với hơn 200 công nhân dương tính với COVID-19. Có tới 947 công nhân nhà máy Y&W ở Tòa A, đường 217, làng Chrey Village, phường Spean Thmor, quận Dangkor (Phnom Penh) ngày 10/6 đã được lấy mẫu xét nghiệm vì nghi ngờ có người mắc COVID-19 và kết quả là 201 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 142 phụ nữ. Các bác sĩ đã đưa bệnh nhân COVID-19 đi điều trị tại hai địa điểm là Koh Pich và Toul Pong. Trong khi đó những công nhân có kết quả âm tính được đề nghị tự cách ly tại nhà 14 ngày chờ xét nghiệm lần hai.
Ngày 11/6, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 655 ca mắc COVID-19, trong đó có 49 ca nhập cảnh và 606 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, tính đến ngày 11/6, Campuchia ghi nhận tổng cộng 37.321 ca mắc COVID-19, trong đó 30.617 bệnh nhân hồi phục và 311 người tử vong (trong đó có 11 ca tử vong mới).
Trong khi đó, cùng ngày, giới chức Nhật Bản cho biết, Chính phủ nước này đang cân nhắc sẽ áp đặt tình trạng bán khẩn cấp với các hạn chế phòng chống COVID-19 bớt nghiêm ngặt hơn tại một số khu vực, trong đó có thủ đô Tokyo và Osaka từ ngày 21/6 tới, thời điểm tình trạng khẩn cấp hiện nay được dỡ bỏ. Một quan chức Chính phủ Nhật Bản nêu rõ, trong khi tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại 10 tỉnh, thành hiện nay sẽ được dỡ bỏ theo kế hoạch vào ngày 20/6 tới, có thể thủ đô Tokyo và Osaka vẫn được đặt trong tình trạng bán khẩn cấp với các biện pháp ít nghiêm ngặt hơn. Tại những khu vực được đặt trong tình trạng bán khẩn cấp, Chính phủ nước này dự định tiếp tục yêu cầu các hàng ăn giảm giờ hoạt động, nhưng sẽ cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn.
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét hạ độ tuổi có thể sử dụng vaccine Moderna. Đối tượng có thể là trẻ em từ 12-17 tuổi. Hiện vaccine Moderna mới chỉ được cơ quan y tế Nhật Bản cấp phép sử dụng cho những người trên 18 tuổi. Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, vaccine của Pfizer đã trở thành vaccine đầu tiên ở Nhật Bản được "bật đèn xanh" cho lứa tuổi này. Hiện khoảng 4% trong dân số 125 triệu người của Nhật Bản đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.