Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đến sáng 12/8, thế giới ghi nhận hơn 205,3 triệu ca nhiễm COVID-19 mới

Tính đến sáng 12/8, thế giới ghi nhận 205,3 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 4,33 triệu trường hợp tử vong vì đại dịch.

Theo TTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 621.846 trường hợp mắc COVID-19 và 9.324 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 205 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,3 triệu người không qua khỏi.

Đến sáng 12/8, thế giới ghi nhận hơn 205,3 triệu ca nhiễm COVID-19 mới - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 9/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, theo thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 205.357.360 ca, trong đó có 4.335.723 người tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại.

Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil có số ca mắc mới cao một cách báo động. Sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới, với gần 100.000 trường hợp trong 24 giờ qua.

Đến sáng 12/8, thế giới ghi nhận hơn 205,3 triệu ca nhiễm COVID-19 mới - Ảnh 2.

Người dân chờ làm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Jerusalem, ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 184.402.792 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 16.618.845 ca và 101.815 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 11/8, thế giới có 147 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với tổng số ca nhiễm trên 36,98 triệu ca, trong đó 635.440 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ và Brazil với số ca nhiễm tại 2 nước này lần lượt ở con số 32,07 triệu ca và 20,02 triệu ca. Trong khi đó, tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 tại Brazil là 564.890, cao hơn con số Ấn Độ ghi nhận được 485.056 ca.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đang trở thành mối đe dọa đối với nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 mà toàn cầu đã đạt được trong nhiều tháng qua khi làn sóng dịch bệnh gia tăng tại nhiều nước, kể cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Đến sáng 12/8, thế giới ghi nhận hơn 205,3 triệu ca nhiễm COVID-19 mới - Ảnh 3.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN


 - Ảnh 1.

Người dân tiêm vaccine AstraZeneca tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.

VTV cũng đưa tin, hiện châu Á đang là điểm nóng của dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày đặc biệt tăng cao tại một số nước như: Iran, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Nhật Bản.

Trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận hơn 42.500 ca nhiễm mới, Indonesia có thêm hơn 30.600 ca nhiễm. Con số này tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Nhật Bản lần lượt là 21.038 ca, 20.780 ca, 12.021 ca và 10.579 ca. Toàn khu vực châu Á trong 24 giờ qua ghi nhận thêm gần 189.000 ca nhiễm và khoảng 3.300 ca tử vong.

Tại châu Âu, dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp khi Nga và Anh ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng vọt. Nhiều nước, trong đó có Ukraine, gia hạn các biện pháp phòng dịch đến ngày 1/10. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định thế giới sẽ còn phải sống chung với dịch COVID-19 trong nhiều tháng nữa và cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn.

 - Ảnh 2.

Người dân chờ đợi để tiêm vaccine COVID-19 tại thủ đô Manila, Philippines, ngày 5/8. Ảnh: Reuters

Trước diễn biến dịch hiện nay, các nước đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh, coi đây là "vũ khí" để hạn chế sự lây lan của biến thể Delta. Việc đánh giá hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 đối với biến thể Delta cũng như đẩy nhanh tiến trình thử nghiệm hiệu quả của các loại vaccine mới cũng đang được hết sức chú trọng.

Các trung tâm tiêm chủng ngừa COVID-19 trên toàn thủ đô Manila của Philippines đang tăng tốc tiến độ tiêm chủng, hoạt động 24/24, nhằm ngăn chặn số ca mắc COVID-19 đang gia tăng do biến thể Delta gây ra.