Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 182.952.614 ca, trong đó có 3.962.113 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, với châu Á, Brazil hiện là những vùng dịch “nóng nhất”, song số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Trong mấy ngày gần đây, biến chủng Delta đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 167.535.449 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.455.859 ca và 79.459 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 30/6, thế giới có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Brazil và một số nước châu Á, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Dù dịch bệnh đã thuyên giảm nhiều, song quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.542.371 ca mắc và 620.208 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt. Do đó, trong cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ đã nhất trí tổ chức tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ theo hình thức trực tiếp vào tháng 9 tới, với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt.
Tại châu Âu, ngày 30/6, Chính phủ Italy đã phê chuẩn thỏa thuận, đạt được với các tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động để chấm dứt lệnh cấm sa thải, trong khi vẫn duy trì các biện pháp bảo vệ những người bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nhất, trong một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế của nước này.
Phát ngôn của chính phủ Italy nhấn mạnh rằng việc cấm sa thải người lao động được ban hành khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Italy từ tháng 2/2020 sẽ được dỡ bỏ một cách có chọn lọc từ ngày 1/7. Đối với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 như dệt may, thời trang và giày dép, lệnh cấm sa thải người lao động được kéo dài đến tháng 10/2021.
Tuy nhiên, để giảm bớt tác động của việc bỏ lệnh cấm sa thải, sau các cuộc đàm phán căng thẳng, các công đoàn đã nhận được cam kết của những người sử dụng lao động về việc sử dụng các biện pháp như giảm giờ làm của người lao động trước khi cho họ nghỉ việc. Một chương trình làm việc bán thời gian do nhà nước tài trợ cho các công ty đang gặp khó khăn cũng được kéo dài thêm 13 tuần và đổi lại, các công ty hưởng lợi cam kết không sa thải người lao động trong thời gian này.
Ngân hàng Trung ương Italy ước tính, lệnh cấm sa thải người lao động được áp dụng duy nhất ở Italy trong số các quốc gia châu Âu đã giúp duy trì được 440.000 việc làm trong năm 2020, khi nền kinh tế Italy rơi vào suy thoái sâu do đại dịch.
Nga thông báo có thêm 669 ca tử vong do COVID-19, mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Nga cũng ghi nhận thêm 21.042 ca mắc mới, trong đó có 5.823 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 5.514.599, trong đó có 135.214 ca tử vong. Theo Chính phủ Nga, số ca mắc gia tăng là do biến thể Delta.
Tại Pháp, cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Pháp, Giáo sư Jean-François Delfraissy nhận định, quốc gia châu Âu này có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 do sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc triển khai tiêm vaccine sẽ giúp giảm thiểu tác động của làn sóng dịch mới, mà theo dự báo của nhiều chuyên gia y tế, có thể tấn công Pháp vào tháng 9 hoặc 10 tới.
Pháp đã dỡ bỏ hầu hết hạn chế được áp đặt từ tháng 4 vừa qua đối với các nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng và các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn đang được gia hạn tại các khu vực Tây Nam do sự lây lan của biến thể Delta. Nước Pháp đang trong quá trình mở cửa lại theo từng giai đoạn. Dự kiến, ngày 9/7, các hạn chế liên quan đến hộp đêm sẽ được dỡ bỏ.
Ngày 30/6, Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí bổ sung Canada cùng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ khác vào danh sách các nước và vùng lãnh thổ được đi lại mà không cần lý do thiết yếu.
Theo các nhà ngoại giao EU, đại diện 27 nước thành viên EU đã nhất trí danh sách bổ sung trên tại cuộc họp ngày 30/6 và quyết định này sẽ có hiệu lực trong vài ngày tới. Danh sách bổ sung này bao gồm: Armenia, Azerbaijan, Bosnia - Herzegovina, Brunei, Canada, Jordan, Kosovo (Serbia), Moldova, Montenegro, Qatar và Saudi Arabia. Anh, nơi mà số ca bệnh tăng vọt do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra, không có tên trong danh sách trên. Các nước EU được khuyến nghị nới lỏng dần những hạn chế đi lại đối với 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách hiện tại gồm: Albania, Australia, Israel, Nhật Bản, Liban, New Zealand, Bắc Macedonia, Rwanda, Serbia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Mỹ. Hong Kong (Trung Quốc) và Macau (Trung Quốc) cũng nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn có thể yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc thực hiện cách ly.
Tại Canada, sau nhiều tháng nỗ lực để kiểm soát tốc độ lây lan của dịch COVID-19 và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, cuộc chiến của Canada với dịch bệnh đã đạt được những bước tiến nhất định.
Những thống kê mới nhất cho thấy dịch bệnh đang lắng xuống, với trung bình 635 ca nhiễm mới mỗi ngày trong thời gian từ ngày 23-29/6/2021, giảm 26% so với tuần trước đó. Số ca bị biến chứng nặng và nguy kịch cũng đang giảm dần. Trong 7 ngày qua, trung bình 959 người mắc COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện ở Canada mỗi ngày, ít hơn 20% so với tuần trước đó. Tương tự, số người tử vong do COVID-19 tính trung bình trong 7 ngày gần nhất dừng ở mức 14 ca/ngày, giảm 19% so với tuần trước.
Kể từ khi đại dịch khởi phát, 1.414.736 trường hợp đã nhiễm COVID-19 và 26.273 ca tử vong được báo cáo ở Canada. Gần đây, biến thể Delta ngày càng lan nhanh và hiện chiếm phần lớn trong số các ca nhiễm COVID-19 ở một số khu vực, trong đó có Ontario. Cơ quan Y tế Công cộng Canada ngày 30/6 tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện những khuyến nghị về y tế công cộng tại địa phương, bao gồm việc tuân thủ các giới hạn về quy mô các cuộc tụ tập và các biện pháp phòng ngừa khác, chẳng hạn như đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách ở không gian công cộng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có thêm hơn 2,6 triệu ca mắc COVID-19 và 57.000 trường hợp tử vong được ghi nhận trên thế giới trong tuần qua. Số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu vẫn ở mức rất cao, với trung bình hơn 370.000 trường hợp được ghi nhận mỗi ngày.
Theo WHO, tình trạng lây lan của các biến thể đáng lo ngại ngày càng phức tạp, trong đó biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh vào tháng 9/2020 đã lây lan sang 172 quốc gia; biến thể Beta được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi được ghi nhận ở 120 quốc gia; biến thể Gamma được phát hiện ở Brazil vào tháng 9/2020 đã có mặt ở 72 quốc gia.
Đặc biệt, chỉ trong tuần qua, biến thể Delta được ghi nhận đầu tiên ở Ấn Độ đã lây lan sang 11 quốc gia mới, nâng tổng số quốc gia xác nhận có người nhiễm biến thể này lên con số 96. Các chuyên gia nhận định rằng biến thể Delta sẽ nhanh chóng trở thành biến thể gây bệnh nhiều nhất trong những tháng tới.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong hai tháng trở lại đây với 794 ca, trong đó có 759 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 156.961 người. Số ca mắc mới tăng mạnh sau khi xuất hiện một loạt các ổ lây nhiễm tập thể ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon).
Ấn Độ thông báo tiếp tục cấm các chuyến bay quốc tế thương mại đi và đến nước này cho đến ngày 31/7. Tuy nhiên, hạn chế này không áp dụng đối với các máy bay chở hàng quốc tế hoặc các chuyến bay đặc biệt. Ấn Độ đã cấm các chuyến bay thương mại khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hoàn toàn vào cuối tháng 3 năm ngoái nhằm khống chế dịch COVID-19.
Bangladesh sẽ triển khai quân đội thực thi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kể từ ngày 1/7, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này đang gia tăng do sự xuất hiện của biến thể Delta. Hầu hết hạn chế trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng vào tháng 4 vừa qua đã được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, do số ca nhiễm mới trong tuần này tăng cao kỷ lục, chính phủ nước này buộc phải ra lệnh giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt trong một tuần. Bangladesh ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục trong tuần này, với 7.666 ca trong ngày 29/6 và 112 ca tử vong. Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 904.436 ca nhiễm, trong đó có 14.388 người không qua khỏi.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 40.323 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 94.400 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Timor Leste, Myanmar và Campuchia.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đang quay đầu tăng mạnh cả số ca mắc mới và ca tử vong. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong ngày thứ 10 liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại, đồng thời cũng cao nhất châu Á (hơn cả Ấn Độ).
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong và mắc bệnh mới trong ngày 30/6 đứng thứ hai toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là một trong những điểm dịch nóng của khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 30/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 82 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua có tới 1.580 ca bệnh COVID-19 mới ghi nhận và 14 ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 30/6 ghi nhận thêm trên 4.786 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 53 người, tăng mạnh so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 1.130 bệnh nhân mới và 27 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Trong 24 giờ qua, “xứ sở chùa tháp” chứng kiến số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 94.427 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 729 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.900.462 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.369.992 trường hợp.