Theo TTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 647.086 trường hợp mắc COVID-19 và 9.610 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 211 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,4 triệu người không qua khỏi.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 211.457.836 ca, trong đó có 4.426.141 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu. Hàng loạt nước tại châu Á mấy ngày qua đã quyết định kéo dài hoặc tái phong tỏa nghiêm ngặt để đối phó với làn sóng dịch mới.
Một số nước Á - Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới, với gần 130.000 trường hợp trong 24 giờ qua.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 189.235.456 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 17.796.239 ca và 109.013 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 20/8, thế giới có 151 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với trên 38.360.000 ca, trong đó có 644.222 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 573.511 ca trong tổng số 20.528.099 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 32.358.829 ca, trong đó có 433.622 ca tử vong.
Xét về khu vực, châu Á đứng đầu với 67.212.317 ca, còn châu Âu đứng thứ hai đang có 53.871.340 ca. Con số này của Bắc Mỹ là 45.807.942 ca và Nam Mỹ là 36.489.111 ca.
VTV cũng đưa tin, viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết, trong vài tuần gần đây, số trường hợp xét nghiệm COVID-19 cho kết quả dương tính ở nước này đang gia tăng. Viện trên khẳng định đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy làn sóng bùng phát mới của đại dịch COVID-19 đã bắt đầu ở Đức.
Đức đã bắt đầu phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 khi tỷ lệ số ca có kết quả xét nghiệm PCR dương tính trong tuần thứ hai của tháng 8 này đã tăng từ 4% lên 6%, trong đó những người trẻ tuổi hơn (từ 10 - 49 tuổi) là đối tượng nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất. RKI đánh giá nguy cơ rủi ro cao về sức khỏe đối với những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh.
Kể từ đầu tháng 7, tỷ lệ nhiễm bệnh ở những người thuộc nhóm tuổi từ 10 - 49 bắt đầu gia tăng, trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan chiếm hầu hết số ca nhiễm mới. Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) của Đức trước đó cũng khuyến nghị tiêm chủng cho nhóm thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi. Tuy nhiên, Chính phủ liên bang Đức nhấn mạnh, khuyến nghị này không mang tính ràng buộc mà trên cơ sở tự nguyện và cũng không được coi là điều kiện để các em được tới trường.
Đức ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Tuần qua, Đức có hơn 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng hơn 30% so với tuần trước. Tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân cũng tăng. Trung bình 100.000 người có 40,8 người mắc, tăng so với mức 25,1 vào tuần trước. Đáng chú ý, 4 thành phố lớn của Đức ghi nhận tỷ lệ vượt mức 100 người mắc trên 100.000 dân. Các nhà dịch tễ học cảnh báo, Đức có thể phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.
Làn sóng bùng phát mới của đại dịch COVID-19 đã bắt đầu ở Đức. (Ảnh: AP)
Tại Anh, chỉ số lây nhiễm COVID-19 đã tăng lên mức 0,9 đến 1,2 so với mức 0,8 của tuần trước, có nghĩa là cứ 10 người mắc bệnh sẽ có khả năng lây nhiễm cho 9 đến 12 người khác. Trong 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 tại Anh tăng trở lại, số ca nhập viên cũng tăng lên mức khoảng 800 người/ngày. Điều đáng lo ngại là Anh đang chuẩn bị cho năm học mới vào tháng 9, trong khi nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Anh đã giảm mạnh, phần lớn là nhờ vào tiêm vaccine.
Ngày 20/8, chính quyền bang New South Wales của Australia thông báo gia hạn lệnh phong tỏa Sydney và siết chặt các hạn chế phòng dịch COVID-19 ở một số điểm nóng trong thành phố lớn nhất cả nước này sau khi ghi nhận 644 ca mắc mới và 4 ca tử vong tại đây trong 24 giờ qua.
Từ ngày 23/8, tại 12 điểm nóng dịch bệnh ở Sydney, nơi ghi nhận phần lớn các ca mắc mới COVID-19 tại Australia, chính quyền sẽ áp dụng các hạn chế mới nghiêm ngặt hơn.
Ngày 20/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc thêm 4 ngày sau một đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Delta gây ra ở ngoại ô Auckland, thành phố lớn nhất cả nước.
New Zealand là một trong số các quốc gia khống chế hiệu quả dịch COVID-19 với chỉ 26 ca tử vong trên tổng số 5 triệu dân. Người dân nước này không bị buộc phải ở nhà trong một năm qua và cuộc sống gần như trở lại bình thường, không bị hạn chế việc tập trung đông người. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này vẫn còn chậm khi mới chỉ có khoảng 20% dân số đã được tiêm đủ liều. Tuần trước, giới chức New Zealand cảnh báo, việc biến thể Delta xuất hiện ở nước này có thể kích hoạt một đợt phong tỏa ngắn nhưng nghiêm ngặt.
Israel đã phát hiện chủng đột biến mới của biến thể Delta. Cụ thể, Bộ Y tế nước này thông báo đã phát hiện 10 trường hợp đầu tiên nhiễm chủng AY3 của biến thể Delta. Đây là 1 trong những chủng đột biến mới của biến thể Delta được cho là nguy hiểm hơn các chủng khác. Trước tình hình này, Bộ Y tế Israel đã thông báo lên Quốc hội và khuyến nghị khả năng phong tỏa toàn quốc lần thứ 4 nhằm ngặn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Israel ở mức hơn 6.000 trường hợp/ngày bất chấp hơn 62% dân số nước này đã được chủng ngừa. Số bệnh nhân nặng cũng tăng, khiến các bệnh viện tại Tel Aviv bị quá tải. Chính phủ Israel đã cấp thêm kinh phí xây dựng bệnh viện dã chiến ở Tel Aviv để điều trị cho các bệnh nhân nặng.
Từ đầu tháng 8, Bộ Y tế Israel đã cảnh báo, nếu con số bệnh nhân nặng tăng tới 600 ca/ngày, nước này buộc phải tính đến biện pháp phong tỏa toàn quốc do các bệnh viện hiện đang trong tình trạng quá tải. Hiện số bệnh nhân nặng tại Israel đã chạm ngưỡng này. Israel đang ghi nhận hơn 8.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, bất chấp việc đã hoàn thành tiêm chủng cho phần lớn dân số.
Kể từ ngày 30/8, Singapore sẽ triển khai thí điểm việc áp dụng cách ly tại nhà đối với những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Quyết định được Bộ Y tế Singapore đưa ra trong bối cảnh nước này đã đạt tỷ lệ gần 80% dân số được tiêm đủ 2 liều vaccine và đa số các ca mắc COVID-19 mới đều có triệu chứng nhẹ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore cho biết, nhiều khả năng nước này sẽ khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 bổ sung trong thời gian tới và có thể sẽ tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan thông báo, nước này có thể sẽ duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong một khoảng thời gian nữa trong bối cảnh Singapore chuẩn bị mở cửa lại biên giới và nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch khác. Theo ông Balakrishnan, đeo khẩu trang sẽ là quy định sau cùng được dỡ bỏ tại quốc gia này.
Hơn 1.200 trẻ em Indonesia đã tử vong vì COVID-19, gần một nửa trong số này là trẻ dưới 1 tuổi. Theo tổ chức Save the Children, Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em cao nhất thế giới.
Các chuyên gia cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tới chế độ dinh dưỡng và làm gián đoạn việc tiêm chủng thường xuyên cho các bệnh khác, khiến trẻ nhỏ gặp nhiều rủi ro hơn. Việc cha mẹ tụ tập đông người, dù là trong gia đình và bạn bè, cũng được cho là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến việc con em họ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn.
Để kìm hãm đà lây lan của biến thể Delta cũng như hạn chế những tổn thất với trẻ em, vào tháng 7/2021, Indonesia đã bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và phụ nữ mang thai.
Bộ Y tế Philippines ngày 20/8 thông báo đã ghi nhận 17.231 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là mức cao kỷ lục trong một ngày tại Philippines. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới hơn 1,8 triệu người, trong đó có 31.198 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, quốc gia Đông Nam Á này có 317 bệnh nhân không qua khỏi.
Nhiều cơ sở y tế tại Philippines đã rơi vào tình trạng quá tải do số bệnh nhân nặng phải nhập viện ngày càng đông. Philippines hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 từ 6 - 7% trước đây xuống 4 - 5% do việc áp đặt trở lại lệnh phong tỏa ở vùng đô thị Manila.
Kể từ ngày 21/8, Malaysia bắt đầu nới lỏng một số quy định giãn cách xã hội đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng trong bối cảnh hơn 50% số người trưởng thành của quốc gia Đông Nam Á này đã được tiêm vaccine. Trong một tuyên bố, Thủ tướng tạm quyền Muhyiddin Yassin cho biết, quyết định trên đã được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia đặc biệt (MKN) do ông chủ trì vào ngày 20/8. Mục đích của cuộc họp này nhằm giảm bớt các hạn chế đối với quy định giãn cách, đặc biệt là đối với những bang đang nằm trong giai đoạn 1 của Kế hoạch phục hồi quốc gia gồm 4 giai đoạn.
Ngày 20/8, Philippines ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với 17.231 trường hợp. (Ảnh: AP)
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Thái Lan từ đầu dịch tới nay đã vượt ngưỡng 1 triệu sau khi Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 19.851 ca mắc mới cùng 240 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên đầu năm 2020, Thái Lan đã có tổng cộng 1.009.710 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 8.826 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm và tử vong được ghi nhận trong thời gian bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 3 từ đầu tháng 4.
Bộ Y tế Lào ngày 20/8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 440 ca mắc COVID-19 mới và 2 trường hợp tử vong. Đây là số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày được ghi nhận tại Lào. Theo Bộ Y tế Lào, trong số các ca mắc mới có tới 365 người nhập cảnh được cách ly ngay và 75 trường hợp nhiễm trong cộng đồng. Savanankhet tiếp tục là tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 135 ca, trong đó có tới 58 người lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào đang có xu hướng tăng trở lại.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tượng theo kế hoạch và mục tiêu đã đề ra; kiểm soát chặt hoạt động người xuất nhập cảnh. Đồng thời, Lào đang xem xét hợp tác với Trung Quốc trong việc nghiên cứu triển khai sản xuất thí điểm vaccine ngừa COVID-19 tại Lào, hướng tới sản xuất đại trà để cung cấp cho người dân cũng như xuất khẩu. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 11.753 trường hợp, trong đó có 11 người tử vong.
Sau ba tuần, Chính phủ Campuchia đã quyết định dừng chiến dịch toàn quốc về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong khi lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Phnom Penh cũng kết thúc từ ngày 20/8. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia nhiều ngày qua dao động trong khoảng 500 - 600 ca/ngày. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh đồ uống có cồn, cơ sở massage, hoạt động tụ tập từ 15 người trở lên vẫn bị cấm ở thủ đô. Trước đó, Campuchia đã trải qua 21 ngày tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Trong thông cáo ngày 20/8, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 519 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 185 người nhập cảnh và 334 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Số ca tử vong vì dịch bệnh tại đây mấy ngày nay cũng đã giảm xuống dưới mức 20 ca/ngày. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 88.242 ca mắc COVID-19, trong đó 83.851 người đã hồi phục và 1.762 người tử vong.
Trong chỉ thị ban hành vào tối 19/8, Chính phủ Campuchia cho biết, chiến dịch tăng cường chống dịch thực hiện 21 ngày qua đã mang lại kết quả tích cực, góp phần làm giảm ở mức độ nhất định việc lây lan biến thể Delta trong cộng đồng và không tác động quá lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Theo chiến dịch này, các hoạt động nghề nghiệp và kinh doanh có rủi ro lây nhiễm COVID-19 cao và tụ tập đông người đều bị cấm, cùng với đó là giới nghiêm toàn quốc từ 22h hôm trước đến 3h sáng hôm sau.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở Nhật Bản. Ngày 20/8, nước này ghi nhận thêm 25.155 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới ở Nhật Bản vượt ngưỡng 25.000 ca/ngày và là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới lập kỷ lục mới. Đáng chú ý, có tới 22 trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tiếp tục tăng cao kỷ lục ngày thứ 7 liên tiếp, lên 1.765 ca
Ngày 20/8, lệnh tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực ở 7 tỉnh gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka, nâng tổng số tỉnh, thành nằm trong phạm vi áp dụng này lên 13, trong đó có thủ đô Tokyo. Cùng ngày, chính quyền 10 tỉnh khác, gồm Miyagi, Toyama, Yamanashi, Gifu, Mie, Okayama, Hiroshima, Kagawa, Ehime và Kagoshima cũng bắt đầu triển khai các biện pháp phòng dịch trọng điểm. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực tới ngày 12/9.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Koichi Hagiuda khẳng định, Chính phủ nước này sẽ không xem xét khả năng đóng cửa tất cả các trường học từ cấp tiểu học cho đến trung học phổ thông để khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hagiuda cho biết, Bộ sẽ tôn trọng quyết định kéo dài thời gian nghỉ hè hoặc tạm thời đóng cửa trường học của các chính quyền địa phương do tình hình dịch bệnh không giống nhau giữa các khu vực.
Trung Quốc có thể sẽ đạt tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 khoảng 80% dân số vào cuối năm nay, qua đó đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Thông tin này đã được chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cho biết trong bài phát biểu trực tuyến tại một hội nghị y tế ngày 20/8.
Tại một hội nghị trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm các quốc gia Arab - Trung Quốc lần thứ 5 được tổ chức tại Khu tự trị Hồi giáo Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc, chuyên gia Chung Nam Sơn cho biết, hiệu quả của các vaccine Trung Quốc vào khoảng 70%. Chỉ khi hơn 80% dân số Trung Quốc được tiêm vaccine, nước này mới có thể thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng một cách hiệu quả. Theo ông Chung Nam Sơn, tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc cuối cùng có thể đạt hơn 80% dân số trong năm nay.
Hàn Quốc ngày 20/8 đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần, đến ngày 5/9, để kiềm chế sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đợt giãn cách này sẽ có những sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện tại.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc công bố ngày 20/8 cho thấy, Hàn Quốc có thêm hơn 2.000 ca mắc mới COVID-19, đa số là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 45 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên ngưỡng 1.000 ca. Số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch ở nước này vẫn duy trì ở ngưỡng 300 trường hợp, tập trung ở độ tuổi 50, nhóm người có tỷ lệ tiêm phòng thấp hơn nhóm cao tuổi.
Số ca mắc mới COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng khi người dân bắt đầu kỳ nghỉ hè. Ngoài ra, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang trở thành chủng virus chính với mức độ lây lan cao hơn rất nhiều, nên dịch bệnh ngày càng lây lan với tốc độ nhanh và khó kiểm soát hơn trước.