Theo TTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 424.845 ca nhiễm và trên 9.800 ca tử vong. Tình hình Ấn Độ đang chuyển biến tích cực dù ca tử vong và nhiễm mới vẫn ở mức cao, trong khi Canada cho phép tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau.
Số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 2/6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 171.890.549 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.574.944 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 154.577.587 người, 13.738.018 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 90.722 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (133.228 ca), Brazil (76.806 ca) và Argentina (35.355 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.205 ca), tiếp theo là Brazil (2.233 ca) và Argentina (640 ca)
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.131.398 triệu người, trong đó có 610.330 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 28.306.883 ca nhiễm, bao gồm 335.114 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 16.624.480 ca bệnh và 465.199 ca tử vong.
Ấn Độ đến sáng 2/6 ghi nhận 133.228 ca nhiễm trong vòng 24 giờ qua. Trước đó, ngày 1/6, nước này ghi nhận 127.510 ca mắc mới - mức thấp nhất trong 54 ngày qua.
Trong khi đó, tỷ lệ các ca dương tính trong tổng số ca xét nghiệm đã giảm xuống còn 6,62%. Tỷ lệ này đã ở mức dưới 10% trong 8 ngày liên tiếp. Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 3.205 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 335.114 ca. Tổng số ca hiện tại dương tính với virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống dưới ngưỡng 2 triệu ca sau 43 ngày.
VTV cũng đưa tin, theo đề xuất được Ủy ban châu Âu đưa ra, những người được tiêm chủng đầy đủ sẽ được miễn xét nghiệm hoặc kiểm dịch khi đi từ nước này sang nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, EC kêu gọi các nước thành viên liên minh châu Âu không nên áp dụng xét nghiệm hoặc kiểm dịch với những người đã được tiêm chủng đầy đủ 14 ngày trước khi khởi hành. Trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng sẽ không phải kiểm dịch nếu cha mẹ đạt các yêu cầu miễn trừ. Các đề xuất được khi nhiều nước EU đã nới lỏng hạn chế nhập cảnh để thúc đẩy du lịch.
Ngày 1/6, Ấn Độ ghi nhận hơn 132.600 ca mắc mới COVID-19. (Ảnh: AP)
Vương Quốc Anh dự kiến dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế vào ngày 21/6 tới. 3/4 người trưởng thành nước này đã được chủng vaccine ngừa COVID-19 mũi đầu tiên. Tuy nhiên, điều này có thể bị trì hoãn khi Anh vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 lên đến hơn 3.100 người trong ngày 1/6.
Theo các chuyên gia y tế Anh, 3/4 số ca nhiễm mới được phát hiện ở quốc gia này có liên quan đến biến thể phát hiện ở Ấn Độ B.1.617.2. Các chuyên gia y tế Anh cảnh báo, nước này đang trong giai đoạn đầu làn sóng dịch COVID-19 thứ 3. Và hiệu quả từ chương trình tiêm chủng của Anh cũng chỉ có thể giúp làn sóng dịch lần này lây lan chậm hơn.
Chính phủ Peru vừa sửa đổi số người tử viong vì COVID-19 lên hơn 180.000 trường hợp, cao gần gấp 3 lần so với dữ liệu cũ và trở thành nước có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tồi tệ nhất toàn cầu. Theo Bộ trưởng Y tế Peru, dữ liệu COVID-19 mới nhất là kết quả của việc rà soát lại cũng như thay đổi một số tiêu chí xác định ca tử vong do nhiễm COVID-19.
Trước đây, Peru chỉ công nhận những người chết khi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 là ca tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, giới chức nước này đã thay đổi tiêu chí thống kê. Như vậy, với hơn 180.000 người tử vong trên hơn 32 triệu dân, tỉ lệ tử vong do COVID-19 của Peru xếp hàng cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn còn hoài nghi khi cho rằng, số ca tử vong vẫn còn cao hơn nữa.
Thủ tướng Malaysia đã công bố gói kích thích kinh tế mới trong giai đoạn quốc gia Đông Nam Á này áp đặt lệnh kiểm soát dịch COVID-19 trên toàn quốc. Ngoài gói hỗ trợ trên, tất cả Bộ trưởng và Thứ trưởng trong nội các Malaysia sẽ không nhận lương 3 tháng bắt đầu từ tháng 6 và số tiền này sẽ được chuyển đến Quỹ Ủy thác cứu trợ thiên tai Quốc gia để tài trợ cho các chi phí liên quan đến COVID-19.
Sau 2 ngày giảm về mức trên 6.000 ca, ngày 1/6, số ca nhiễm mới tại Malaysia đã tăng trở lại, lên mức 7.105 ca. Đây cũng là ngày đầu tiên Malaysia thực hiện phong tỏa toàn diện để phòng, chống dịch bệnh. Trong thông báo ra ngày 1/6, Bộ Y tế Malaysia cho biết, bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất cả nước với 2.068 trường hợp. Tuy nhiên, lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur đã thay thế bang Kelantan đứng ở vị trí thứ 2 với 817 ca và bang Sarawak vẫn đứng ở vị trí thứ 3 với 703 người. Tới nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 579.426 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, 2.867 người tử vong.
Các ca nhiễm các loại biến thể của SARS-CoV-2 đáng lo ngại đã xuất hiện trên khắp bán đảo Malaysia. Theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu y dược thuộc Bộ Y tế Malaysia, hiện nay, Malaysia đã ghi nhận 78 ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 ở Nam Phi với xu hướng tăng lên. Đến nay, biến thể này đã lây lan gần như khắp bán đảo Malaysia, trừ các bang Malacca, Terengganu, Pahang và lãnh thổ liên bang Putrajaya. Địa phương có nhiều ca nhiễm biến thể ở Nam Phi nhất là bang Selangor với 31 ca. Ngoài biến chủng Nam Phi, Malaysia tới nay còn phát hiện 2 biến thể khác là biến thể ở Anh và Ấn Độ. 356 ca còn lại là nhiễm các biến thể của SARS-CoV-2 chưa được ghi nhận vào danh sách các biến thể lo ngại.
Các ca nhiễm biến thể xuất hiện trên khắp bán đảo Malaysia. (Ảnh: AP)
Philippines sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận cho tới giữa tháng 6. Theo đó, các địa điểm tôn giáo chỉ được phép tụ tập tối đa 30% công suất. Nhà hàng có thể phục vụ khách không quá 20% công suất. Các chuyến đi không thực sự cần thiết vẫn bị cấm.
Ngoài ra, Philippines cũng gia hạn lệnh cấm đối với người nhập cảnh từ Ấn Độ và một số nước khác cho tới ngày 15/6 để ngăn chặn biến thể lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ đang có xu hướng lan rộng. Philippines có tổng cộng trên 1,2 triệu ca mắc và hơn 21.000 trường hợp tử vong do COVID-19, mức cao thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Từ ngày 1/6, thủ đô Bangkok, Thái Lan sẽ nới lỏng một số hạn chế phòng dịch. Theo đó, 5 loại hình kinh doanh được mở cửa trở lại là bảo tàng, trung tâm học tập, phòng khám và dịch vụ làm đẹp, công viên công cộng, vườn bách thảo. Việc nới lỏng là nhằm giảm bớt gánh nặng đối với công việc kinh doanh bằng cách cho phép hoạt động trong những điều kiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các loại hình kinh doanh khác vẫn đóng cửa cho tới ngày 14/6. Các nỗ lực kiểm soát dịch trong các cộng đồng, chợ và khu nhà ở của công nhân vẫn đang tiếp tục.
Ngày 31/6, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục với hơn 5.400 ca. Trong 24 giờ qua, quốc gia này báo cáo 2.230 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 162.000 trường hợp, bao gồm 1.069 bệnh nhân thiệt mạng.
Báo Khmer Times có bài tổng kết về tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia sau 100 ngày kể từ "sự cố cộng đồng ngày 20/2", làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 tại nước này. Tính đến nay, dịch bệnh đã lan rộng ra tất cả 25 tỉnh thành của Campuchia, làm hơn 30.700 nhiễm bệnh và 220 người tử vong.
Trong thời gian qua, cùng với nỗ lực dập dịch bằng nhiều biện pháp như phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại giữa các địa phương, phân vùng màu vàng, vàng đậm và đỏ, Campuchia xác định chỉ có tiêm vaccine phòng COVID-19 mới giúp nước này thắng dịch để hồi phục kinh tế. Trong 110 ngày thực hiện chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên quy mô lớn, số người đã được tiêm phòng là 2,6 triệu người, trong khi kế hoạch của Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm phòng cho tổng số 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.
Theo thông cáo cập nhật của Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 616 ca mắc COVID-19 (trong đó có 585 ca lây nhiễm cộng đồng và 31 ca nhập cảnh), ít hơn số ca hồi phục là 753 người, trong khi có thêm 6 người tử vong.
Chỉ 1 ngày sau khi không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào sau hơn 1 tháng phong tỏa, việc Lào tiếp tục phát hiện 12 ca nhiễm cộng đồng mới tại thủ đô Vientiane cho thấy, tình hình dịch tại nước này vẫn còn phức tạp cho dù đã lắng dịu nhiều so với trước. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.912 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.543 người và 3 trường hợp tử vong.
Dịch bệnh đã lan rộng ra tất cả 25 tỉnh thành của Campuchia. (Ảnh: AP)
Cơ quan Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày tại nước này dao động quanh ngưỡng 400 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh nhà chức trách nới lỏng các quy định giãn cách xã hội đối với những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng tại Hàn Quốc.
Theo KDCA, có 459 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó có 449 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Hàn Quốc lên gần 140.800 trường hợp. Như vậy, số ca nhiễm mới hàng ngày đã có 3 ngày liên tiếp dao động quanh ngưỡng 400 ca, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 3 năm nay, trước khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động tới quốc gia Đông Bắc Á này.
KDCA cũng đã ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì COVID-19 trong một ngày qua, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này tại Hàn Quốc lên 1.963 ca. Ngoài ra, cơ quan này cho biết thêm, các ca bệnh mới xuất hiện ở nhiều môi trường khác nhau, bao gồm các cơ sở chăm sóc, nơi làm việc, nhà thờ, quán bar, và số ca không thể truy vết vẫn ở mức cao, đặt ra thách thức đối với cuộc chiến chống COVID-19 của Hàn Quốc. Số ca mắc mới trung bình hàng ngày tại nước này trong tuần qua là 554 ca, vẫn cao hơn mức tiêu chuẩn được áp dụng cho việc giãn cách xã hội ở cấp độ 2,5, và cao thứ tư trong thang đánh giá 5 cấp độ.
Ngày 1/6, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chiến lược dài hạn về phát triển và sản xuất vaccine nội địa với mục tiêu bắt kịp Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực này. Trong chiến lược trên, Nhật Bản kêu gọi thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine phòng COVID-19 tiên tiến cũng như xây dựng kế hoạch phân phối tài chính một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc mua vaccine do các công ty tư nhân bào chế trong trường hợp xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới. Ngoài ra, chiến lược trên cũng đề xuất mở rộng các mạng lưới nghiên cứu lâm sàng ở châu Á để thực hiện các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn một cách suôn sẻ ở khu vực này.
Ngày 1/6, Nhật Bản đã cho phép mở lại các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và công viên giải trí ở thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka của nước này trong bối cảnh một số hoạt động kinh doanh được nới lỏng một phần theo tình trạng khẩn cấp được gia hạn tới ngày 20/6.
Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu thực hiện tiêm phòng COVID-19 tại nơi làm việc và trường đại học từ ngày 21/6 tới. Đây là nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine đang bị đánh giá là chậm trễ của nước này. Việc tăng số địa điểm tiêm chủng sẽ giúp giảm tải cho các cộng đồng địa phương và đẩy nhanh tốc độ tiêm. Trong giai đoạn này, Nhật Bản sẽ sử dụng thêm vaccine của hãng Moderna (Mỹ).
Các công ty và trường đại học sẽ quyết định những nhóm cần tiêm phòng và thân nhân của các nhân viên cũng sẽ được tiêm nếu có nhu cầu, ưu tiên những người lớn tuổi hoặc những người có bệnh lý nền. Bên cạnh đó, các công ty và các trường học cũng tự chịu trách nhiệm huy động nhân viên y tế để tiến hành tiêm vaccine tại chỗ.
Ngày 1/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố báo cáo tình hình dịch bệnh nước này cho biết, trong ngày 31/5, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 23 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Quảng Đông. Trong số 12 ca nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận trong ngày 31/5, có 7 ca tại Thượng Hải, 2 ca tại Quảng Đông và 2 ca tại Tứ Xuyên và 1 ca tại Giang Tô.
Đợt tái bùng phát dịch COVID-19 lần này tại Quảng Châu, nơi ghi nhận 90% lượng khách quốc tế đến Trung Quốc mỗi ngày, bắt đầu vào ngày 21/5, đến nay đã lan ra các thành phố lân cận là Phật Sơn và Mậu Minh. Ngày 1/6, Trung Quốc ghi nhận 23 ca mắc mới COVID-19. Đến nay, tổng cộng trên 91.100 đã nhiễm bệnh, hơn 4.600 tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này.