Theo TTXVN, số liêu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 500.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 216,6 triệu ca, trong đó trên 4,5 triệu ca tử vong.
Các quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 47.000 ca), Ấn Độ (45.058 ca) và Anh (32.456 ca).
Các quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mexico (863 ca), Nga (799 ca), Iran và Brazil (cùng có 614 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 39,5 triệu ca mắc và khoảng 654.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32,6 triệu ca mắc và 437.860 ca tử vong; Brazil với 20,7 triệu ca mắc và 579.010 ca tử vong.
Trong khi biến thể Delta tiếp tục hoành hành khắp thế giới, kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 28/8 cho thấy biến thể này có thể khiến người nhiễm có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi so với biến thể Alpha.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 12/2020 và những nghiên cứu ban đầu cho thấy biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn lên đến 50% so với biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh hồi tháng 9 năm ngoái.
Trong khi đó, lo ngại về biến thể Delta có thể đảo ngược thành quả phòng, chống đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã và đang lên kế hoạch triển khai tiêm liều vaccine tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của biến thể có khả năng lây nhiễm cao này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về sự cần thiết của việc tiêm liều vaccine thứ ba. Đến nay, các nhà sản xuất vaccine đã thực hiện nhiều thử nghiệm lâm sàng để xác định thời gian thực hiện tiêm mũi bổ sung.
Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ tiếp tục có những diễn biến căng thẳng trước sự lây lan nhanh của biến thể Delta. (Ảnh: AP)
VTV cũng đưa tin, liên minh châu Âu (EU) ngày 28/8 đã quyết định khôi phục một số hạn chế để phòng chống dịch COVID-19. Đáng chú ý là yêu cầu cách ly và xét nghiệm đối với những người chưa tiêm vaccine đến từ Mỹ và 5 nước khác. Như vậy, các quốc gia EU đã bắt đầu loại Mỹ khỏi danh sách các nước có công dân có thể đi đến 27 nước trong khối mà không phải chịu hạn chế bổ sung liên quan đến COVID-19. Danh sách trên của EU được đưa ra dựa trên tình hình COVID-19 ở mỗi quốc gia và trên nguyên tắc có đi có lại.
Biến thể Delta đang lây lan rất nhanh tại Nga. Giới chức Nga nhận định, biến thể này cùng với tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp là hai nguyên nhân khiến làn sóng dịch thứ 3 ở nước này tiếp tục diễn biến nguy hiểm. Xét theo tổng số ca mắc COVID-19, Nga đang là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng thứ 4 trên thế giới với trên 6,86 triệu trường hợp nhiễm bệnh.
Tháng 7/2021 là tháng nước Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong đại dịch lần này với hơn 50.400 người không qua khỏi.
Thủ đô Moscow, tâm điểm dịch bệnh tại Nga, và một số khu vực khác đã bắt buộc tiêm chủng cho nhiều nhóm đối tượng và thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích người dân tiêm phòng. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng được cho là đang chậm lại kể từ giữa tháng 8. Ước tính, chỉ có hơn 35 triệu dân trong tổng số 146 triệu người tại Nga đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
Italy đã tuyên bố tái áp đặt một số hạn chế phòng dịch tại vùng Sicily của nước này sau khi số ca nhiễm tại đây tăng trở lại. Từ ngày 30/8, người dân sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang ở trong nhà, ngoài trời. Thực khách tại nhà hàng sẽ giới hạn ở nhóm 4 người. Sicily sẽ được xếp thành vùng "màu vàng", cấp độ thứ 2 trong hệ thống phân loại 4 cấp dựa trên tỷ lệ lây nhiễm và nguy cơ nhập viện.
Trước đó, tất cả các khu vực của Italy được xếp là vùng trắng có nguy cơ thấp nhất. Tuy nhiên, biến thể Delta đã khiến số ca nhiễm tại một số nơi tăng trở lại. Hiện Italy ghi nhận trên 4,5 ca mắc và hơn 129.000 trường hợp thiệt mạng do COVID-19.
Sau 9 tuần phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát đại dịch COVID-19 thứ 3, bang New South Wales, nơi có thủ phủ là thành phố Sydney sầm uất nhất Australia, vẫn đang phải chứng kiến số ca mắc mới không ngừng tăng, với mức kỷ lục là 1.035 ca vào ngày 28/8. Trong năm nay, bang New South Wales với hơn 9 triệu dân, chiếm hơn 1/3 dân số Australia, đã ghi nhận hơn 18.000 trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương, phần lớn được báo cáo trong đợt bùng phát mới nhất của bang bắt đầu từ ngày 16/6.
Trong khi đó, ở khu vực Tây Nam và Tây Sydney là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dịch bệnh hiện đã lan về các vùng nông thôn rộng lớn ở New South Wales và tấn công các địa phương lân cận, bao gồm Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT), bang Victoria và cả New Zealand, gây ra các ổ dịch lớn đang ngày càng lan rộng.
Australia đang chật vật đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại nhiều bang và vùng lãnh thổ. Từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên trong đợt bùng phát dịch từ ngày 16/6 đến nay, biến thể Delta đã lây nhiễm cho hơn 17.000 trường hợp tại bang phía Đông của Australia, đồng thời dịch bệnh cũng khiến 83 người tử vong.
Bộ Y tế Lào ngày 28/8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 115 ca mắc mới COVID-19 gồm 55 người nhập cảnh được cách ly ngay và 60 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Theo Bộ Y tế Lào, các cơ sở điều trị đang được mở rộng để đảm bảo ứng phó đầy đủ với số ca mắc mới ngày càng tăng. Lào hiện có 20 bệnh viện và 22 bệnh viện dã chiến để phục vụ việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, khoảng 3.000 nhân viên y tế dịch tễ và nhân viên dự phòng cùng tình nguyện viên đang tích cực tham gia điều trị cho người mắc COVID-19 trên cả nước.
Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 14.466 trường hợp, trong đó có 12 người tử vong.
Thái Lan có kế hoạch tiêm vaccine Pfizer cho 4 triệu học sinh của nước này trong độ tuổi từ 12 tới 18 vào tháng 9 tới, qua đó học sinh có thể quay trở lại trường học một cách bình thường. Nước này đang tìm kiếm nguồn cung để có thể có thêm hơn 1 triệu liều nữa để đủ cho hơn 4 triệu học sinh cả nước.
Chương trình tiêm chủng này dự kiến sẽ hoàn thành một tháng trước khi các trường học được mở cửa trở lại. Ngoài ra, 900.000 giáo viên trên cả Thái Lan cũng đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi.
Malaysia vẫn là một trong những quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 do biến thể Delta. Đã 5 ngày liên tiếp, số ca nhiễm mới trong ngày ở nước này luôn ở mức hơn 20.000 ca. Từ tháng 7, số ca mắc mới đã tăng lên những mốc cao kỷ lục. Ngày 28/8, nước này có 22.597 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 trên cả nước lên hơn 1,68 triệu trường hợp.
Hiện nay, đã có hơn 60% dân số Malaysia tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Từ ngày 20/8, Malaysia đã nới lỏng một số hạn chế cho những người đã tiêm chủng đầy đủ.
79% dân số Singapore đã được tiêm chủng đầy đủ. (Ảnh: AP)
Bộ Y tế Singapore cho biết, tính đến hết ngày 26/8, 79% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Như vậy, nước này tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng ở mức 80% vào cuối tháng. Singapore sẽ đóng các trung tâm tiêm chủng lớn, thay vào đó tăng số lượng các phòng khám được phép tiêm chủng để tiếp tục tiêm cho những người dân còn lại chưa được tiêm.
Ngày 28/8, với 121 ca mắc mới, hiện Singapore ghi nhận 67.171 người nhiễm bệnh, bao gồm 55 trường hợp không qua khỏi.
Ngày 28/8, Chính phủ Philippines đã gia hạn các biện pháp hạn chế tại vùng đô thị Manila và một số tỉnh trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước tới nay. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte đã gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ lớn thứ 2 ở vùng đô thị Manila cho đến ngày 7/9.
Mặc dù một số cơ sở kinh doanh có thể hoạt động tới 50% công suất nhưng hoạt động ăn uống bên trong nhà hàng, dịch vụ chăm sóc cá nhân và mọi hoạt động tôn giáo vẫn bị cấm tại vùng đô thị Manila, hiện là tâm dịch với số ca mắc chiếm 1/3 và số ca tử vong chiếm 1/4 trong tổng số người nhiễm.
Bộ Y tế Philippines thông báo, trong 24 giờ qua, đã có thêm 19.441 ca mới, mức cao nhất lần thứ ba trong 9 ngày qua. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Philippines là hơn 1,93 triệu người. Số ca tử vong lên tới 33.008 người sau khi có thêm 167 bệnh nhân thiệt mạng trong ngày 28/8. Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire dự báo, số ca mắc có thể sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.