Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 627.000 ca mắc COVID-19 và trên 9.590 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 197 triệu ca, trong đó trên 4,21 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 79.000 ca), Ấn Độ (44.673 ca) và Indonesia (43.479 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.893 ca), Brazil (1.225 ca) và Nga (799 ca).
Trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn, ngày 29/7, Tiến sĩ Nurul Yuziana Mohd Yusof, giảng viên cấp cao tại Đại học Kebangsaan Malaysia, đánh giá vaccine của Sinovac, Pfizer/BioNTech và AstraZeneca đều đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn diễn biến bệnh nặng trong trường hợp bị nhiễm COVID-19.
Đề cập đến sự khác biệt giữa vaccine của các hãng, Tiến sĩ Nurul Yuziana cho rằng vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca tạo ra các kháng thể đặc hiệu cho protein đột biến của virus, trong khi vaccine của hãng Sinovac tạo ra các kháng thể chống lại toàn bộ cấu trúc của virrus, bao gồm cả protein đột biến của nó.
Về hiệu quả của ba loại vaccine chống lại các biến thể COVID-19 mới, Tiến sĩ Nurul Yuziana cho biết các nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng hai liều vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZenecaa có hiệu quả từ 50% so với các biến thể mới.
Bà dẫn kết quả một nghiên cứu công bố trên tạp chí Y học New England gần đây cho biết vaccine của Pfizer/BioNTech đã được chứng minh là có hiệu quả lên tới 93,7% đối với biến thể Alpha và 88% đối với Delta, trong khi đối với AstraZeneca hiệu quả là 74,5% (Alpha) và 67% (Delta). Đối với Sinovac, cho đến nay, vẫn chưa có dữ liệu khoa học nào để đánh giá hiệu quả với các biến thể mới.
Theo Tiến sĩ Nurul Yuziana, hiệu quả của bất kỳ loại vaccine nào chỉ có thể được xác định chắc chắn thông qua phân tích toàn diện bao gồm nhiều dữ liệu khác nhau, bao gồm cả tỷ lệ dân số tiêm vaccine. Ngoài ra, bà cho rằng cần tiến hành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để có phân tích chi tiết hơn về loại biến thể, so với các phương pháp sàng lọc COVID-19 hiện có như phương pháp RT-PCR và phân tích gene để tìm hiểu sự thay đổi gene hoặc đột biến của virus.
Số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở Ấn Độ đã giảm sau đợt bùng phát dịch thứ 3. (Ảnh: AP)
VTV cũng đưa tin, tại Australia, cảnh sát thành phố Sydney đã đề nghị quân đội hỗ trợ giám sát người dân thực thi nghiêm túc lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở thành phố lớn nhất nước này tiếp tục tăng lên mức cao mới.
Theo giới chức địa phương, cảnh sát bang New South Wales đã đề nghị lực lượng quốc phòng Australia triển khai 300 quân nhân để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh ở Sydney. Hiện thành phố gồm 5 triệu dân này đang trong tuần thứ 5 thực hiện phong tỏa dự kiến kéo dài đến cuối tháng 8 tới. Theo đó, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để tập thể dục, làm công việc thiết yếu, lý do y tế và đi mua nhu yếu phẩm như thực phẩm. Tuy nhiên, người dân không tuân thủ nghiêm túc quy định. Trong những tuần qua, người dân Sydney tập trung đông đúc tại các công viên và bãi biển để uống cà phê và trò chuyện với bạn bè.
Trong lúc này, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tại Thái Lan tăng cao kỷ lục, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế của nước này. Ngày 29/7, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 17.669 trường hợp, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại nước này lên 561.030 người kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 165 ca tử vong, mức cao nhất từ trước tới nay.
Thái Lan đã ghi nhận xu hướng dịch bệnh đáng lo ngại với hơn 10.000 ca nhiễm mỗi ngày trong hơn một tuần qua. Một bệnh viện dã chiến với sức chứa 1.800 giường đã được dựng ngay tại sân bay Don Mueang ở thủ đô Bangkok để tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận hơn 561.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.562 người không qua khỏi. Phần lớn các ca mắc mới được ghi nhận trong làn sóng lây nhiễm từ tháng 4 vừa qua.
Gần đây, Lào liên tục ghi nhận các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là người nhập cảnh đã hoàn thành thời gian cách ly được trở về nhà. Chính quyền tỉnh Savannakhet cho biết, tỉnh này đã ghi nhận 4 lao động Lào trở về từ nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi được phép rời trung tâm cách ly trở về nhà. Hiện tại, nhà chức trách địa phương đã phong tỏa nơi các bệnh nhân sinh sống và đang tiến hành xác minh những người tiếp xúc gần để đưa đi cách ly.
Ngày 29/7, Lào có 242 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 3 người lây nhiễm trong cộng đồng tại Luang Namtha và Bokeo. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại Lào đã tăng mạnh từ đầu tháng 7, nhưng chủ yếu là người lao động nhập cảnh trở về nước từ Thái Lan và được cách ly ngay. Trong đó, 35% số người trở về từ Thái Lan nhiễm biến thể. Theo Bộ Y tế Lào, đến nay, nước này đã tiêm được 1.109.544 mũi vaccine thứ nhất, trong đó có 425.003 mũi ở Vientiane, chiếm 43,8% dân số thủ đô Lào. Từ ngày 2/8, Lào sẽ triển khai đợt tiêm vaccine toàn quốc thứ 3 với vaccine Johnson & Johnson. Đây là số vaccine Lào nhận được từ chương trình COVAX do Mỹ tài trợ.
Theo đại diện WHO tại Campuchia, số người mắc và tử vong vì COVID-19 tại Campuchia vẫn ở mức cao. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, các biện pháp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 chưa thành công và dịch tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Campuchia cần chuẩn bị trước kịch bản đối phó với biến thể Delta, thậm chí là Delta Plus lan nhanh. Một khi biến thể này xâm nhập vào người chưa tiêm phòng, số ca mắc COVID-19 sẽ lại tăng vọt, cùng với số người tử vong và số ca bệnh nặng ngày càng nhiều, gây sức ép lên hệ thống y tế.
Bên cạnh đó, WHO khuyến cáo Campuchia cần quan tâm, theo dõi và thận trọng với các ca nhiễm biến thể Delta không triệu chứng. Những trường hợp giấu bệnh này có thể làm người bị lây nhiễm phát triển triệu chứng rất nhanh.
Chính phủ Campuchia đã quyết định đóng cửa 8 tỉnh giáp biên giới với Thái Lan nhằm hạn chế lây nhiễm biến thể Delta sau khi liên tục phát hiện những người lao động trở về từ Thái Lan bị nhiễm biến thể này và đã xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng ở một số tỉnh biên giới. Theo quyết định trên, 8 tỉnh của Campuchia giáp biên giới với Thái Lan sẽ phải đóng cửa biên giới tạm thời đối với người nhập cảnh, chỉ cho phép xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian 2 tuần kể từ 23h45 ngày 29/7 đến hết ngày 12/8/2021.
Tính đến nay, Campuchia đã phát hiện có hơn 100 trường hợp nhiễm biến thể Delta. Để ngăn chặn lây lan biến thể Delta, Chính phủ Campuchia cũng đã đưa ra một số biện pháp thực hiện trên toàn quốc như ngừng hoạt động các loại hình kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao và cấm tụ tập trên 10 người.
Nhiều người tại Singapore đã bị bắt giữ vi phạm các quy định về an toàn phòng dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Bộ Nhân lực Singapore yêu cầu, chủ các doanh nghiệp và người lao động phải đảm bảo các biện pháp an toàn và phòng dịch COVID-19 tại nơi làm việc; hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Cảnh sát Singapore đã bắt giữ 13 người để điều tra việc vi phạm các quy định về an toàn phòng dịch COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Singapore có 133 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên hơn 64.700 trường hợp.
Chính phủ Indonesia khuyến cáo, người dân không nên lo lắng về nguồn cung vaccine phòng COVID-19 và khẳng định đã dự trữ đủ 440 triệu liều đến cuối năm nay. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng đã dự trữ đủ thuốc, oxy, nhân viên y tế và giường bệnh nhằm đề phòng đợt dịch mới xuất hiện. Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia sẽ triển khai 17.000 - 18.000 nhân viên truy vết COVID-19 tại các địa phương trên khắp cả nước bắt đầu từ tháng 8 tới.
Ngày 29/7, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi, cho biết, nước này đã phát hiện 923 ca mắc biến thể nội địa B14662 của virus SARS-CoV-2. Theo bà Nadia, biến thể này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2020 tại một số tỉnh, thành của Indonesia và đã được đưa vào danh sách "cảnh báo cần theo dõi thêm" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Biến thể này hiện không thuộc danh sách "biến thể đáng quan ngại" (VoC, gồm Alpha, Beta, Gamma, và Delta), hay danh sách "biến thể đáng quan tâm (VoI, gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda).
Với 43.479 ca mắc mới trong 24 giờ qua, Indonesia hiện xác nhận tổng cộng trên 3,33 triệu người mắc, bao gồm hơn 90.500 trường hợp thiệt mạng.
Philippines đã phát hiện thêm 97 ca nhiễm biến thể Delta. Khu vực thủ đô Manila tiếp tục được khuyến cáo áp dụng các biện pháp cách ly tăng cường. Ngày 29/7, nước này đã nhận 1,5 triệu liều vaccine Sinovac và dự kiến tiếp tục nhận thêm 1 triệu liều vào ngày 30/7. Tổng cộng trên 1,57 triệu cư dân Philippines được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 27.500 người đã không qua khỏi.
Ngày 29/7, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 thông báo thêm 24 ca mắc COVID-19 liên quan tới đại hội thể thao này. Đây là mức cao nhất kể từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên đầu tháng 7 đến nay. Trong số các ca mắc mới, có 3 vận động viên nước ngoài sống tại Làng Olympic ở Tokyo và 6 quan chức thể thao. Như vậy, đến nay có tổng cộng 193 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến Olympic Tokyo.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới ở thủ đô Tokyo cao chưa từng thấy, vượt mốc 3.800 ca/ngày. Còn trên cả nước, số ca nhiễm mới trong 1 ngày tại Nhật bản lần đầu tiên vượt quá 10.000 ca. Hiện Nhật Bản đang áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở Tokyo và Okinawa.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, Chính phủ nước này sẽ nhanh chóng xem xét ban bố trình trạng khẩn cấp ở 3 tỉnh giáp thủ đô Tokyo nếu nhận được yêu cầu từ các tỉnh này. Ông cũng nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục làm hết sức để ngăn chặn các trường hợp lây nhiễm liên quan tới Olympic Tokyo.
Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, tình trạng khẩn cấp tại Osaka và 3 tỉnh gồm Saitama, Chiba và Kanagawa sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/8 - 31/8. Trong khi đó, tại Tokyo và Okinawa, lệnh tình trạng khẩn cấp, hết hạn vào ngày 22/8, sẽ tiếp tục được kéo dài đến hết ngày 31/8.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm nhẹ trong ngày 29/7 sau khi chạm mốc cao kỷ lục trước đó một ngày, trong bối cảnh giới chức y tế nước này đang cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế phòng dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Delta. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 1.672 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, chủ yếu là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, tổng số ca mắc tại quốc gia này là 195.099 người.
Trước đó, ngày 28/7, Hàn Quốc phát hiện 1.896 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Số ca mắc mới của Hàn Quốc liên tục ở mức trên 1.000 ca/ngày kể từ đầu tháng 7 trong bối cảnh nước này đang đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ tư. Cũng trong 24 giờ qua, Hàn Quốc có thêm 2 ca tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng lên 2.085 người. Tỷ lệ tử vong ở nước này hiện là 1,07%.
Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 29/7 đã ghi nhận ca mắc COVID-19 cộng đồng đầu tiên sau gần 6 tháng. Bệnh nhân có lịch sử đi lại tới thành phố Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam. Trương Gia Giới là một mắt xích chính trong chuỗi lây nhiễm COVID-19 mới nhất tại Trung Quốc sau khi nước này bất ngờ bùng dịch tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô. Hiện có 3 tỉnh ở Trung Quốc đang bùng dịch do biến thể Delta có liên quan đến sân bay Lộc Khẩu.