Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 513.786.354 ca, trong đó có tổng cộng 6.262.727 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 468 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 39 triệu ca và trên 41.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 2/5, thế giới có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 44 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.
Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 24 giờ qua, Australia là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 31.000 ca), trong khi Pháp là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 180 ca.
Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”.
Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 196 ca tử vong. Trong ngày 2/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 9.300 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (84 ca).
VTV cũng đưa tin, Hàn Quốc tiếp tục bãi bỏ dần các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục giảm. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 2/5 được ghi nhận là 20.084 ca, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Số ca nhiễm COVID-19 ngày 2/5 cũng giảm đáng kể so với mức 37.771 của 1 ngày trước đó. KDCA cho biết nước này đã có thêm 83 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 22.958 người. Tỷ lệ tử vong là 0,13%. Số bệnh nhân nặng đang điều trị tiếp tục giảm xuống mức 461 người, ít hơn 32 người so với mức 493 người của một ngày trước đó. KDCA dự báo số ca nhiễm COVID-19 sẽ tiếp tục xu hướng giảm ổn định và đây là cơ sở để Hàn Quốc tiếp tục xem xét nới lỏng các biện pháp phòng dịch còn lại.
Trong khi đó, nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của châu Phi, được ra mắt vào năm ngoái như một trung tâm tiên phong về sản xuất vaccine tại khu vực vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp vì sự chậm trễ trong việc bàn giao vaccine của các nước phương Tây, đang có nguy cơ phải đóng cửa vì ế ẩm.
Hồi tháng 11/2021, nhà máy Aspen Pharmacare ở Gqeberha, Eastern Cape của Nam Phi đã đạt được thỏa thuận với tập đoàn Mỹ Johnson &Johnson để đóng gói và phân phối vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson &Johnson trên khắp thị trường châu Phi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi thỏa thuận này là một "thời khắc chuyển đổi" trong nỗ lực hướng tới việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng rõ rệt trong việc tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên kể từ đó cho đến nay, vaccine mang thương hiệu Aspenovax không nhận được đơn đặt hàng nào tại châu Phi, bất chấp thực tế mới chỉ có khoảng 16% người trưởng thành của lục địa này đã tiêm đủ liều cơ bản.
Theo giới chức Aspen, một trong những lý do khiến nhà máy này phải "đắp chiếu" là do khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản và phân phối vaccine ở châu Phi. WHO và cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX từng nêu thực trạng châu Phi từ chối nhận thêm vaccine ngừa COVID-19 do không có đủ tủ đông lạnh, việc tiếp cận các điểm tiêm chủng và đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, nhà máy trên ra đời trong bối cảnh châu Phi không được cung cấp đầy đủ và nhanh chóng vaccine ngừa COVID-19 do nhu cầu lớn từ phương Tây. Tuy nhiên khi nhà máy đi vào hoạt động, thực tế đã thay đổi. Hiện nay châu Phi đang nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nước hơn so với giai đoạn đầu dịch bùng phát và nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho châu lục này cũng đã ổn định.