Theo TTXVN, số liệu thống kê từ trang worldometer.info, tính đến 6h ngày 5/7 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 184.510.431 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.992.230 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 288. 063 và 5.051 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 168.856.653 người, 11.661.548 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77,.841 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (40.387 ca), Brazil (27.783) và Nga (25.142 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 743 ca), tiếp theo là Brazil (với 718 ca) và Nga (663 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.592.076 người, trong đó có 621.293 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.584.872 ca nhiễm, bao gồm 402.758 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 18.769.808 ca bệnh và 524.417 ca tử vong.
VTV cũng đưa tin, Nga đã công bố thêm 25.142 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2021 trong bối cảnh nước này chứng kiến số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng. Cùng với đó, số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở mức rất cao với 663 người trong ngày 4/7.
Tuần này, Nga đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp, đặc biệt riêng ngày 3/7 có 697 ca tử vong. Theo số liệu chính thức, đến nay, đã có 137.925 ca tử vong trong số trên 5,6 triệu người mắc COVID-19 ở Nga.
Số ca nhiễm biến thể Delta ngày càng gia tăng ở Nga. (Ảnh: AP)
Cuối tháng 7, Anh sẽ dỡ bỏ những biện pháp kiểm soát phòng dịch cuối cùng. Ngày 28/7 được Chính phủ nước này gọi là "Ngày Tự do". Khi đó, kể cả những quy định như đeo khẩu trang cũng sẽ trở thành "lựa chọn cá nhân" ở nước Anh và không bắt buộc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kịch bản khả quan. Các biện pháp kiểm soát sẽ được dỡ bỏ dựa trên đánh giá các tiêu chí như số ca nhiễm mới, số ca nặng nhập viện, và tiến độ tiêm chủng... Anh đã có gần 70% người dân được tiêm chủng. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới vẫn tăng cao với hơn 20.000 trường hợp mỗi ngày.
Australia sẽ giảm một nửa hạn ngạch người nước ngoài được phép nhập cảnh vì lo ngại, các khu cách ly sẽ không đáp ứng được. Mỗi tuần sẽ chỉ có khoảng 3.000 người được vào Australia. Trong nước, Australia cũng đang trải qua một đợt lây nhiễm nguy hiểm, biến thể Delta phát hiện ở nhiều thành phố lớn khắp cả nước. Tính tới ngày 4/7, một nửa dân số Australia đang phải sống trong phong tỏa. Theo truy vết nguồn lây, dịch đã lan ra từ các khu khách sạn cách ly cho người nước ngoài.
Indonesia bắt đầu tiêm chủng cho trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi. Việc tiêm chủng được tiến hành khi các số liệu cho thấy, số bệnh nhân dưới 18 tuổi mắc COVID-19 vào tháng 6/2021 ở Indonesia chiếm 12,6% tổng số ca mắc, trong khi tỷ lệ này vào năm 2020 chỉ khoảng 5%. Giới chức Indonesia kỳ vọng, việc mở rộng đối tượng tiêm chủng sẽ giúp nước này đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.
Làn sóng COVID-19 mới do biến thể Delta gây ra đang càn quét khắp Indonesia. Trong 24 giờ qua, nước này có tới gần 27.233 ca nhiễm mới và gần 555 trường hợp tử vong. Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 liên tục tăng cao gây quá tải hệ thống y tế, Chính phủ Indonesia đã phải đề nghị các công ty sản xuất oxy ưu tiên đáp ứng nhu cầu y tế sau khi xảy ra tình trạng hơn 60 bệnh nhân tại một bệnh viện tử vong do hết nguồn oxy thở.
Chính phủ Lào ngày 4/7 đã gia hạn chỉ thị 15/TTg, tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa đến hết ngày 19/7 nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng đang có nhiều diễn biến phức tạp và biến chủng Delta nguy hiểm đã xuất hiện tại Lào. Đây là lần thứ 5 Chính phủ Lào gia hạn lệnh phong tỏa kể từ ngày 22/4 đến nay.
Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 31 ca nhiễm COVID- 19 mới tại 5 trên 18 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó phần lớn là các ca nhập cảnh được cách ly ngay và chỉ có 3 ca cộng đồng. Đáng chú ý, thủ đô Vientiane, tâm dịch lớn nhất của Lào trong làn sóng dịch thứ 2 này, đã có 5 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Lào.
Ngày 4/7, Hàn Quốc đã phát hiện thêm 742 ca mắc mới COVID-19. (Ảnh: AP)
Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày ở Hàn Quốc tiếp tục ở mức trên 700 ca với 742 trường hợp, khiến nhà chức trách nước này phải tăng cường cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch, nhất là ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, ngày 4/7, nước này đã phát hiện thêm 742 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 662 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 160.084 người.
Trước đó, ngày 2/7 và ngày 3/7, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc là 826 và 794 ca, mức cao nhất trong gần 6 tháng qua, do số trường hợp nhiễm mới tăng đột biến ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
Số ca mắc mới công bố ngày 4/7 có giảm một chút so với 2 ngày trước nhưng đây là ngày Chủ nhật có số ca mắc mới cao nhất từ đầu năm nay. Ở Hàn Quốc, số ca bệnh được phát hiện cuối tuần thường ít hơn ngày trong tuần do ít người đi xét nghiệm hơn. Cũng theo KDCA, đã có thêm 1 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân không qua khỏi ở Hàn Quốc lên 2.026 người.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này đang triển khai kế hoạch cấp chứng nhận tiêm chủng ("hộ chiếu vaccine") vào cuối tháng 7 tới. Theo nguồn tin trên, nếu được các nước, trong đó có Italy, Pháp và Hy Lạp, chấp nhận, những người được cấp chứng nhận sẽ được miễn cách ly hoặc không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19 khi đi từ Nhật Bản đến các quốc gia đó.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục yêu cầu khách du lịch nhập cảnh vào Nhật Bản, bao gồm cả những người trở về, phải cách ly trong 2 tuần ngay cả khi họ đã được tiêm phòng. Yêu cầu trên đang làm phức tạp các cuộc đàm phán với các quốc gia như Singapore và Israel, những nước đã kêu gọi miễn trừ theo nguyên tắc "có đi có lại".