Ảnh hưởng nhận thức
Trước một số nghiên cứu chứng minh khẩu trang mang lại tác hại cho trẻ và trong bối cảnh hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người tự hỏi, liệu trẻ sẽ phải “sống chung” với khẩu trang đến bao giờ.
Theo nhiều nghiên cứu, khẩu trang có thể gây ra một số tác hại. Tiến sĩ tâm thần học Stefani Reinold tại Wholehearted Psychiatry (Mỹ) dẫn chứng, một nghiên cứu năm 1986 chỉ ra rằng, việc đeo khẩu trang kéo dài mang lại tác hại tâm lý liên quan đến việc thiếu tín hiệu trên khuôn mặt và cảm xúc.
Một báo cáo khác cho thấy, đeo khẩu trang lâu hơn 4 giờ một ngày làm giảm độ nhạy bén trong nhận thức, tăng đau đầu và đổ mồ hôi. Nghiên cứu tương tự cũng ghi nhận sự suy giảm chất lượng âm thanh và lời nói bị “méo mó” từ khẩu trang.
Trong khi đó, bà Ashley Ruba - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm cảm xúc trẻ em của Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: “Có những giai đoạn nhạy cảm trong quá trình phát triển ngôn ngữ và cảm xúc trong vài năm đầu đời”.
Theo bà Ruba, việc sử dụng lời nói hoặc dấu hiệu khuôn mặt có thể giúp tìm hiểu cảm xúc của một người nào đó. Hoặc, nhờ những dấu hiệu đó, chúng ta có thể nhận ra những khía cạnh an toàn hoặc nguy hiểm của môi trường và con người. Đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo ngại rằng, việc đeo khẩu trang có thể cản trở những trải nghiệm học tập tự nhiên và kỹ năng giao tiếp này ở trẻ.
Theo một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Cognition, khi trẻ em từ 3 đến 8 tuổi nhìn những khuôn mặt đeo khẩu trang, khả năng phân loại biểu cảm của chúng không giảm. Điều này cho thấy, trẻ em dưới 9 tuổi thường chú ý tới vùng mắt của người đối diện, ngay cả khi chúng có thể nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt họ.
Khi đại dịch bùng phát, bà Ruba đã nghiên cứu xem khẩu trang có ảnh hưởng đến khả năng của trẻ trong việc hiểu các biểu hiện trên khuôn mặt hay không. Nhà nghiên cứu này và đồng nghiệp đã cho hơn 80 trẻ em từ 7 đến 13 tuổi xem các bức ảnh chụp khuôn mặt đeo khẩu trang hoặc kính râm. Những khuôn mặt đó thể hiện sự buồn bã, tức giận hoặc sợ hãi.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, khi được yêu cầu nhận biết một trong sáu cảm xúc cho mỗi khuôn mặt, những đứa trẻ đã trả lời đúng 66% về khuôn mặt không bị che. Khi khuôn mặt bị che bởi khẩu trang, những đứa trẻ gặp khó khăn, nhưng có thể xác định chính xác cảm xúc buồn khoảng 28%, tức giận 27% và sợ hãi 18%.
Với những phát hiện này, một số chuyên gia cho rằng, đeo khẩu trang sẽ không gây ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của trẻ. Tiến sĩ Hugh Bases - Phó Giáo sư lâm sàng về nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Hassenfeld tại NYU Langone Health, cho biết: “Tôi nghĩ, một khi khẩu trang không còn được sử dụng quá nhiều, dù có tác động gì đi nữa, trẻ cũng sẽ nhanh chóng phục hồi”.
Trong khi đó, bà Amy Learmonth - Giáo sư tâm lý học tại Đại học William Paterson ở New Jersey (Mỹ), cho biết, sự phát triển xã hội và ngôn ngữ của trẻ em có thể chậm hơn khi người xung quanh đeo khẩu trang. Tuy nhiên, trẻ sẽ nhanh chóng bắt kịp.
Khi cha mẹ có thể giúp
Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, ngay từ khi chào đời, trẻ sơ sinh đã học cách giao tiếp bằng cách quan sát khuôn mặt, miệng và giọng nói của người thân. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng đáp lại. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ không khuyến cáo trẻ em dưới 2 tuổi đeo khẩu trang. Do đó, theo Giáo sư Learmonth, đối với trẻ em dưới 18 tháng, học cách giao tiếp thông qua các tín hiệu hình ảnh có lẽ quan trọng hơn. Bởi, học một từ mới khi chưa biết từ nào là điều vô cùng phức tạp.
Chuyên gia này gợi ý, nếu phụ huynh lo lắng về sự phát triển ngôn ngữ và xã hội cũng như sức khoẻ tâm thần của trẻ trong đại dịch, hãy đảm bảo sẽ dành thời gian để trò chuyện trực tiếp với con. Điều quan trọng là cha mẹ không đeo khẩu trang khi giao tiếp với trẻ.
“Đối với hầu hết trẻ em, miễn là nhận được sự tương tác với cha mẹ vào buổi sáng và tối, chúng sẽ ổn. Những tương tác này có thể là trong khi tắm, giờ chơi hoặc bữa ăn. Ngoài ra, cuộc trò chuyện thường không chỉ là nội dung bằng lời nói”, Tiến sĩ Bases nhận định.
Các yếu tố khác như âm vực giọng nói hoặc cử chỉ cơ thể - những thứ không bị che khuất bởi khẩu trang - cũng có thể được thêm vào ngữ cảnh. Nhờ đó, giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, trẻ nhỏ, bao gồm cả những người khiếm thị, sẽ sử dụng các manh mối hoặc giác quan khác để hiểu và học ngôn ngữ. Tuy nhiên, theo Giáo sư Learmonth, cần quan tâm tới những đứa trẻ có sự phát triển ngôn ngữ hoặc xã hội không điển hình.
“Bất cứ trẻ nào chậm hơn một chút trong việc phát triển ngôn ngữ hoặc hiểu các tín hiệu xã hội - điều khiến tôi lo ngại là trẻ sẽ bị tụt lại phía sau hơn nữa”, bà Learmonth nhấn mạnh.
Để giao tiếp tốt hơn với trẻ khi đeo khẩu trang, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến nghị, người lớn nên chú ý đến trẻ trước khi nói. Hãy đối mặt trực tiếp với trẻ mà không có rào cản về thể chất hoặc tiếng ồn. Đồng thời, cần nói chậm và to hơn, nhưng không hét lên, nếu cần. Phụ huynh cũng có thể thêm thông tin bằng cách sử dụng tay, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu. Tùy thuộc vào câu trả lời, hãy hỏi xem trẻ có hiểu không và tự lặp lại nếu cần.
Nếu lo lắng về các kỹ năng phát triển ngôn ngữ và sức khoẻ tâm thần của con, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.