Câu chuyện xúc động về trẻ tự kỷ
“Đi cùng ánh sáng” viết về cuộc sống hàng ngày của một gia đình Nhật Bản có con tự kỷ. Như mọi đứa trẻ khác, Hikaru được sinh ra trong tình yêu thương và niềm hi vọng của bố mẹ. Nhưng Sachiko, mẹ của Hikaru dần nhận ra con mình không giống các em bé khác. Hikaru phản ứng rất chậm với các tiếng động, hay khóc vô cớ, rất khó dỗ dành và đặc biệt không biểu lộ tình cảm gì với mẹ.
Sau một vài lần kiểm tra, các bệnh viện xác nhận Hikaru bị tự kỷ, một hội chứng rối loạn phát triển hệ thần kinh ở trẻ em. Kể từ thời khắc ấy cả gia đình chìm vào khủng hoảng. Người bố và phía bên nhà nội không hề quan tâm giúp đỡ, Sachiko suy sụp trầm trọng. Nhưng bằng tình mẫu tử, Sachiko đã gượng dậy. Có thể Hikaru không lớn lên bình thường nhưng cậu bé vẫn có một tương lai phía trước, và điều quan trọng nhất, là không bỏ cuộc khi chưa hiểu vấn đề của con mình. Và cuộc chiến để sống chung với bệnh tự kỷ của hai mẹ con đã bắt đầu.
Từ những trang đầu tiên, “Đi cùng ánh sáng” đã khắc họa rất rõ những rung chấn đầu tiên của mỗi gia đình có con tự kỷ. “Tại sao con lại khóc nhiều như thế?”; “Sao dỗ mãi con cũng không nín”; “Tại sao con không có phản ứng gì?”; “Sao con lại không nhìn mẹ?”; Tại sao?... rất nhiều câu hỏi, hoang mang và mỏi mệt. Nhưng bằng những nét vẽ, từng ô thoại và cách kể truyện từ tốn, những câu hỏi ấy dần được giải đáp.
“Đi cùng ánh sáng” đưa ra những vấn đề của trẻ tự kỷ và quan trọng hơn, là cả những giải pháp. Trước nhất là hiểu và ở bên con. Hikaru rất chậm nói, chậm nghe nhưng bù lại cậu bé quan sát rất tốt và đặc biệt hứng thú với các hình ảnh và chuyển động. Mẹ Sachiko đã dùng những tấm ảnh chụp gia đình, bạn bè và các đồ vật để dạy cho con nói. Chỉ một chi tiết nhỏ vậy thôi nhưng đó là điều vô cùng quan trọng giúp cho bé giao tiếp. Tiếp đến là đảm bảo an toàn cho trẻ tự kỷ: Sắp xếp các đồ đạc dễ vỡ, vật nhọn ở ngoài tầm với; làm bảng tên cho bé đeo đề phòng bị lạc, hay làm những bảng thông báo nhỏ để hàng xóm biết và thông cảm cho bệnh tình của bé... Và khó khăn hơn cả, là việc cho bé đi học: Tìm trường lớp, tìm giáo viên, giúp bé sinh hoạt tập thể, kết bạn... Việc nào cũng vô cùng vất vả.
Đọc bộ sách này có lẽ bạn sẽ hỏi, sức đâu để làm mọi việc đó. Câu trả lời hết sức đơn giản: Tình yêu thương. Yêu thương, nhưng cương nghị, không phải sự yêu chiều để bé lớn lên không có “đề kháng” trước cuộc sống.
Cẩm nang cho mọi gia đình
“Đi cùng ánh sáng” không chỉ đơn thuần là câu chuyện về trẻ tự kỷ. Gói trong bộ sách còn là hình ảnh về xã hội đương đại mà gia đình Hikaru chỉ là một trong số đó. Những mẩu chuyện nhỏ về hàng xóm láng giềng, những mẩu chuyện về gia đình các bạn của Hikaru ở trường, hay đơn giản, chỉ là tình bạn của lũ trẻ. Không chỉ riêng Nhật Bản mà ở mọi nơi, guồng quay cuộc sống đang dần trở nên gấp gáp. Mối liên hệ giữa từng thành viên trong gia đình dần trở nên xa cách: Công việc, áp lực, nuôi dạy con cái... tất cả vô hình chung là vấn đề của mỗi một gia đình.
Ảnh: Bộ truyện tranh “Đi cùng ánh sáng”.
Mọi hành trình rồi sẽ có điểm kết, và bộ truyện “Đi cùng ánh sáng” cũng vậy. Như mong ước của mọi người cha người mẹ là con được hạnh phúc, ước mơ mẹ Sachiko và bố Masato chỉ là: “Mong con lớn lên khỏe mạnh và sáng sủa để sống thật tốt”.
Con đường đến ước mơ nghe tưởng hết sức đơn giản ấy lại vô vàn chông gai, nhưng rồi mọi việc sẽ ổn, vì bên Hikaru luôn có mẹ, có bố và mọi người. “Có hơi ấm từ bàn tay nhau là được rồi...”. Vì tất cả sẽ luôn bên nhau, luôn đi cùng ánh sáng.
Chị Minh Hiếu, đại diện Mạng lưới Người tự kỉ Việt Nam, người tham gia hiệu đính cuốn sách, chia sẻ: “Cuốn sách này rất tốt cho việc tuyên truyền về chứng tự kỷ đến cộng đồng. Cứ một người đọc thì một người sẽ hiểu về tự kỷ, cảm thông đối với người tự kỉ và yêu thương người tự kỷ hơn. Còn đối với những cha mẹ có con tự kỷ thì khi đọc cuốn sách này sẽ thấy đến 80% hình ảnh của mình trong đó, họ cũng sẽ học hỏi được rất nhiều điều và hình dung trước được con đường xa của con em mình”. Bộ truyện tranh “Đi cùng ánh sáng” gồm 15 tập sẽ được NXB Kim Đồng phát hành trên toàn quốc lần lượt làm 3 đợt, mỗi đợt 5 tập.