Đánh nhạc đám cưới thu nhập chẳng được bao nhiêuNgoài nghề viết báo, tôi thường đi đánh guitar cho đám cưới hay hội hè. Một ngày ngồi café trên phố, tôi được thằng bạn lính cũ bảo rằng: “Sao mầy không đi đánh guitar cho đám cưới, tao chơi năm sáu năm nay rồi, biết như mầy bỏ cũng uổng…”.
Số là những năm đi lính hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, bọn tôi chơi chung ban nhạc. Sau thời gian xuất ngũ về Sài Gòn học đại học tôi có chơi tiếp, nhưng sau khi ra trường đi làm, vì lu bu công việc, tôi bỏ phế. Hơn nữa, thời đó người ta chơi đám cưới hoặc hội diễn văn nghệ mà chỉ có một cây organ, vừa gọn vừa nhẹ chi phí, từ đó nhạc công bỏ nghề hàng loạt. Tôi cũng nằm trong số đó.
Nhưng nay, khi đã ngán ngẩm vì nghe nhạc thiếu cảm xúc, ca sĩ toàn “hát” với đĩa, rồi nhìn đám cưới chỉ có cây organ cũng buồn, nhu cầu chơi “nhạc sống” với dàn nhạc có trống jazz, guitar solo, guitar bass và organ dần trở lại. Bởi vậy, tôi mới đi đánh nhạc.
“Mười lăm đám cưới đi ngang qua đời tôi.
Mười lăm cô gái ra đi không ngoảnh lại…”
Lời bài hát Mùa cưới của Nguyễn Hoàng, mười lăm đám cưới đi qua đời tôi, nhưng tôi sau hơn 20 năm không biết qua bao nhiêu đám cưới mới đánh nhạc trở lại.
Một thế hệ nhạc công guitar sừng sỏ
Những ngày lớn lên ở Sài Gòn tôi đã nghe câu nói về “tứ quái” bầu sô, nhất Biếu (Hoàng Biếu), nhì Giao (Ngọc Giao), tam Ngọc (Duy Ngọc), tứ Đặng (Sỹ Đặng). Đến nay ba người đã qua đời, chỉ còn mỗi Duy Ngọc, nhưng ông cũng đã… già. Ban nhạc thì đi theo bầu sô, bầu sô nào ban nhạc đó. Tôi bắt đầu có ý niệm chơi nhạc từ đó.
Rồi đến thời những band nhạc ca khúc chính trị nở rộ như Mây Trắng, Đại Dương, Cửu Long nữ, Sinco nam, Hy Vọng, Dây Leo Xanh, Sao Sáng, Rạng Đông, Mê Kông,... không dưới hàng chục cái tên xuất hiện ở Sài Gòn, mà tên nào cũng có màu sắc riêng của những năm 1980.
Đến thời liên hoan pop rock toàn thành đầu thập niên 1990 với những tên tuổi: Buổi Sáng, Ba Con Mèo, Thiên Thanh, Da Vàng, Đen Trắng… Thời ban nhạc Hải Âu trụ ở nhà hát Hòa Bình, ban nhạc Saigon Boys chơi trong các chương trình Làn sóng xanh đầu tiên và ban nhạc News Friends đắt sô nhất Sài Gòn.
Nhạc công ở các tụ điểm đám cưới thường đùa nhau: Hai nốt nhạc vui nhất là đô với la khi được nhiều tiền “boa” và hai nốt nhạc buồn nhất là mi và fá (đám).
Làng nhạc Sài Gòn thời ấy từng có một thế hệ nhạc công guitar sừng sỏ như Lý Được, Vũ Văn Tuyên, Thanh Long (bass) và nhiều tay guitar solo tài hoa như Quốc Dũng, Hoàng Liêm, Mạnh Trinh,… góp phần làm thăng hoa cho các ban nhạc Sài Gòn cũ.
Sau này, những nhạc công được biết đến như những tay chơi chuyên nghiệp như Lý Huỳnh Long, Tấn Phong, A Zìn, Hy Đạt, Dũng Đà Lạt, Ngọc Quân, Thanh Tân, Xuân Hiếu… quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu người. Đội ngũ nhạc công có nhiều, song để tìm ra lực lượng kế thừa lại rất hiếm. Vì một lý do lớn là do đất diễn thu hẹp, tình trạng hát nhép theo “nhạc hộp” tràn lan, khiến giới nhạc công lao đao và mai một dần.
Đệm nhạc như cưỡi ngựa
Cứ mỗi chiều tối, nhất là chiều cuối tuần, đây đó trong dòng người đông đúc trên các đường phố Sài Gòn, bạn thấy một người chạy xe gắn máy vai đeo cây đàn organ hoặc guitar to tướng thì đó là các nhạc công chơi nhạc cho các đám cưới.
Theo ước tính trong giới, cả Sài Gòn có chừng 100 ban nhóm nhạc lớn nhỏ, khoảng trên 400 nhạc công chuyên và không chuyên. Còn nhạc công đám cưới như tụi tui thì vô số.
Ngoài những band chuyên rất ít, thì không có một ban nhạc nào tập tành với nhau để thành một ban cho đàng hoàng. Cứ bầu kêu là lên đường, ráp nối với nhau cứ bốn tay: trống, bass, guitar, organ thành một ban nhạc thời vụ. Bữa này đánh với mấy anh này, bữa sau lại đánh với mấy anh kia, làm sao mà chuyên được.
Chơi đám cưới cũng thành thông lệ trễ giờ. Trong thiệp cưới mời 5 giờ tối, theo thói quen tới đúng 7 giờ tối hay sau đó tiệc cưới mới được chính thức khai mạc. Chúng tôi đến sớm, tụ tập quanh quán café cóc gần đó, vừa nhâm nhi café, vừa chờ đợi. Đúng là “Không ăn đỗ không phải Mễ (Tây Cơ), không đi trễ không phải Việt Nam” mà lị.
Đầu tiên, ca sĩ lên hát mấy bản. Giọng ca sĩ rổn rảng như sắp vỡ, chứ không romantic dù đó là mấy bản dịu êm. Sau ba bản liên tục, ca sĩ nhường micro cho người khác. Lắm lúc ca sỹ chơi nhạc “thị trường” chỉ đáp ứng giới trẻ mà đám cưới thì có nhiều người trung niên và cao niên.
Thông thường người muốn hát chỉ cần thông báo trước và cho biết tên bài hát, còn tông gì thì cất tiếng lên mới biết được. Nhiệm vụ của các nhạc công là đệm cho các “ca sĩ” hát cho đúng trường độ và cao độ, đa phần nhạc công phải đệm đuổi theo người hát. Nếu có lúc đàn không đúng nhịp cũng chẳng sao.
Bây giờ nhạc công không thuộc nhiều nhạc như ngày xưa. Vì lượng ca khúc mới quá nhiều, bài nào sắp nắm vững thì đã bỏ vì có bài mới khác thế rồi. Vì thế, nhiều khi đệm nhạc mà như cưỡi ngựa phi nước đại, may sao đám cưới thì thường người ta hát những bài quen, nếu bài lạ thì không quá khó.
Đi đánh nhạc tiền công thì ít mà nhiều khi tiền “boa” lại nhiều. Nhiều khi nhạc công vừa đàn vừa nhìn những bông hoa khách tặng. Nhiều khi được khá thì vài trăm, những hôm quá bết thì tiền “boa” chia ra chỉ được mỗi người 5 ngàn, thôi để tay đánh organ uống café. Nói chung, dù nhận tiền theo hình thức nào thì hằng đêm các nhạc công đám cưới cũng mong cho có nhiều bông.
Anh Nguyễn Hữu Công đang chơi keyboard (organ rip) ở Hội quán Sài Gòn đường Trường Chinh cho biết, hàng đêm tuy ít đi show nhưng quen biết khá nhiều anh em nhạc công ở tất cả các tụ điểm như Hóc Môn, Cầu Vượt, Sóng Thần, đặc biệt các anh em chơi ở nhiều tụ điểm đám cưới lớn ở Sài Gòn như Bách Việt, Đông Phương, Tân Sơn Nhất v.v... đều cho rằng tiền cát xê của nhạc công quá là bèo, chỉ đủ để uống cafe.