Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

'Dị nhân'… gỏi khô bò khiến vạn người mê

Đối diện cổng chính công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.HCM) có một chiếc bàn nhỏ làm quán bán món gỏi khô bò, lúc nào cũng có hàng chục thực khách vây quanh chờ đến lượt, dẫu là những trưa nắng đổ lửa hay những tối mưa gió sụt sùi. Nếu không phải dân Sài Gòn, hẳn ai cũng phải ngạc nhiên bởi không hiểu vì sao món ăn dân dã đến “tầm thường” này, còn bán ở vỉa hè, lại được nhiều người mê đến thế…

Gánh mưu sinh tạo dựng tương lai

Chủ của quán gỏi khô bò nói trên được các thực khách quen biết gọi một cách thân mật là dì Sáu. Bà cho biết, từ gần 50 năm trước, cô bé Thúy (tên thật của bà) khi ấy mới chừng 8-9 tuổi, đã rời xa vùng quê An Giang để lên Sài Gòn kiếm sống với nghề bán hàng rong. Ban đầu là phụ quán bò bía và gỏi khô bò cho người dì – cũng với “bộ đồ nghề” mà bà sử dụng hiện giờ. Thế rồi vài năm sau, người dì “giải nghệ”, để lại quán nhỏ cùng những “ngón nghề gia truyền” cho bà “kế tục sự nghiệp”.

Bà Sáu Thúy, chủ nhân "tiệm" gỏi khô bò nổi tiếng bậc nhất Sài thành

“Tui bán suốt từ cái hồi mỗi dĩa chỉ có 50 xu, bán miết cho tới tận bây giờ, khi giá mỗi dĩa đã là 20.000 đồng. Hồi mới đứng bán, tui còn con nít, thế rồi sau đó lấy chồng, sinh con, cho tới bây giờ đã già như vầy rồi. Coi như cả đời chỉ biết làm và bán mỗi món gỏi khô bò”, bà cười hiền, tranh thủ lúc rảnh tay hiếm hoi để kể sơ lược về “chuyện nghề” của mình.

Quả thực, để có được một câu chuyện “tròn trịa” với bà Sáu là điều… không tưởng. Bởi lúc nào bà cũng tất bật luôn tay, luôn miệng: Vừa thoăn thoắt trộn gỏi, pha gia vị, vừa lắng tai nghe yêu cầu của khách, lại vừa phải trả lời… bộ đàm (điều đặc biệt là bá Sáu không chỉ bán hàng trực tiếp cho khách xếp hàng mua tại xe, mà còn liên lạc với một số “chân rết” hoạt động bên phía công viên Lê Văn Tám thông qua hệ thống bộ đàm. Hễ có khách là những “chân rết” ấy lại gọi bộ đàm cho bà để “đặt hàng”). Vì vậy, chúng tôi phải chực chờ suốt 2-3 tiếng đồng hồ để mong bà xác nhận một điều mà chúng tôi “nghe đồn” đã lâu. Đó là chuyện bà bán gỏi khô bò để kiếm tiền nuôi con đi… du học bên Mỹ.

Câu chuyện tưởng như hoang đường ấy, không ngờ lại được chính bà Sáu “thừa nhận” một cách thản nhiên. “Thằng nhỏ đó là đứa con trai duy nhất, năm nay “mới” gần 30 tuổi thôi, nó học ở Texas xong rồi ở lại lập nghiệp bên đó luôn”, bà nói ngắn gọn, như coi việc cho con đi du học Mỹ là chuyện… bình thường.

Phải khá vất vả để “ráp nối” các “mảnh vụn” câu chuyện được kể một cách rời rạc, chúng tôi mới hiểu rằng, thật ra chuyện cho con đi du học Mỹ đối với một người làm nghề “buôn thúng bán bưng” như bà Sáu là điều “quá hớp” so với khả năng tài chính nghèo nàn của bà. Đúng là quán gỏi khô bò của bà nổi tiếng, lúc nào cũng đông khách, tiền lời kể ra cũng kha khá. Nhưng cái nghề này không thể giúp kiếm bạc tỷ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đã vậy, tất cả những người phụ việc cho bà đều là con cháu trong nhà, buôn bán được đồng lời thì chia nhau cùng hưởng, nương tựa vào nhau để cùng tồn tại giữa cái thành phố xa hoa, đắt đỏ này. Trong khi đó, người chồng của bà thì từ nhiều năm nay vẫn “trung thành” với nghề chạy taxi, thu nhập cũng chỉ tạm đủ sống. Thế nhưng, ngay từ khi đứa con còn nhỏ, ông bà đã “nuôi mộng” sau này cho con đi du học để mong “đổi đời”. Nên khi con lớn lên, ông bà quyết thực hiện được tâm nguyện, dẫu có phải trả giá rất đắt.

Trưa nào cũng vậy, quán của bà đông nghẹt khách, phần chờ mua ăn tại chỗ, phần các bác tài xe công nghệ chờ để ship hàng cho khách ở xa

Ngay trước ngày con xuất cảnh, ông bà còn phải chạy ngược chạy xuôi để vay mượn để có đủ tiền đóng học phí. Đến khi con học xong cũng là lúc ông bà trang trải xong nợ nần. May mà cậu con trai cũng ngoan ngoãn, hiểu được những hy sinh lớn lao của cha mẹ, nên chí thú học hành, học xong tìm được việc làm ngay ở bên Mỹ, nghe đâu còn chuẩn bị cưới vợ ở Mỹ. “Vậy coi như “mất đứt” thằng con trai! Nhưng thôi, vậy cũng được, con cái có cuộc sống tốt là mình mừng. Giờ nó chưa phụ giúp gì cho vợ chồng tui, nhưng tui cũng không cần. Vợ chồng già chăm sóc nhau, tui còn phải nuôi cha mẹ già gần 80 tuổi, sống được bằng nghề của mình như vầy cũng là ổn lắm rồi”, bà chia sẻ.

Giá trị của "nhất nghệ tinh"

Gỏi khô bò là món bình dân rất phổ biến của người Sài Gòn suốt từ trước 1975 đến giờ. Ở cái thành phố hiện đã trên 10 triệu dân này lúc nào cũng có hàng trăm, hàng ngàn người “kinh doanh” thứ món ăn đường phố vừa rẻ, vừa dễ làm, lại rất “nịnh vị giác” một cách rất đặc biệt này. Vì vậy, để trở nên “nổi tiếng” như bà Sáu hiện giờ là điều không hề dễ dàng. Nhiều người trẻ Sài Gòn vẫn kháo nhau rằng, gỏi khô bò của bà Sáu nổi tiếng đến mức, nó chỉ xếp sau “cà phê bệt” – xét về mức độ thu hút khách. Và đó là món mà những người có dịp đặt chân đến Sài thành nên thử, nếu không thì sẽ rất đáng tiếc, vì chưa hiểu về Sài Gòn một cách đầy đủ nhất!

Nhiều người chọn một chỗ mát mẻ trong công viên Lê Văn Tám để thưởng thức món gỏi khô bò "bá phát" của bà Sáu

Đi cùng chúng tôi là Tú Uyên, một cô gái trẻ có biệt tài nấu ăn rất giỏi, đồng thời cũng rất am hiểu về công thức cũng như “bí quyết” để chế biến hàng trăm món ăn khác nhau. Theo lời Tú Uyên, dường như tất cả mọi quán gỏi khô bò ở Sài Gòn đều có chung công thức về nguyên liệu, bao gồm đu đủ bào sợi, thịt bò khô, bánh phồng tôm, đậu phộng rang, bánh bột chiên, ít rau thơm và nước chấm pha trộn các loại gia vị. Mặc dù nguyên liệu đơn giản và khá “đồng nhất” như vậy, nhưng qua tay mỗi người chế biến thì món gỏi khô bò lại có những hương vị khác biệt nhau. Đó là do kinh nghiệm cùng với những bí quyết riêng – mà “sản phẩm” của bà Sáu là một ví dụ điển hình.

So với hầu hết những nơi khác, gỏi khô bò của bà Sáu được thực khách đặc biệt yêu thích nhờ có những sợi đu đủ giòn tan, thịt bò khô đậm vị, và nhất là nước chấm với mùi thơm đặc trưng, vị chua – mặn – ngọt – cay hài hòa, đậm đà mà thanh dịu... Đó là tất cả những gì bà kế thừa được từ người dì, rồi tự bản thân đúc kết kinh nghiệm qua gần 50 năm “hành nghề” để từng bước hoàn thiện, trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng.

Không chỉ thu hút khách bằng món ăn vặt ngon miệng, mà bằng cách nào đó – có lẽ bằng “cái duyên” với nghề, bà Sáu còn tạo dựng được một “phong cách” thưởng thức món ăn của mình rất độc đáo: Ngoại trừ những người mua về để thưởng thức ở nhà, hay dân văn phòng mang về công ty cùng nhân nhi với nhau lúc rảnh việc đầu giờ chiều, phần lớn thực khách là những người bạn hẹn hò nhau lúc rảnh rỗi, xếp hàng mua đĩa gỏi khô bò mang qua công viên Lê Văn Tám tìm một gốc cây mát mẻ, cùng hàn huyên những câu chuyện đời, trong khi món ăn trở thành “chất xúc tác” để những câu chuyện của họ thêm đậm đà, thú vị.

Cánh nhân viên văn phòng, công sở là một trong những "mối ruột" của bà Sáu

Với nhiều người Sài Gòn, việc thưởng thức gỏi khô bò bà Sáu được coi như một nhu cầu tự thân, hay một “nét văn hóa” – có phần hơi kỳ dị nhưng vô cùng độc đáo và cuốn hút. Cũng giống như cách nhiều người vẫn “khoái” ngồi bệt trên vỉa hè hay thảm cỏ công viên 30/4 để thưởng thức “cà phê bệt” vậy!

Có lẽ vì vậy mà quán mở cửa bán từ 1 giờ chiều đến 9 giờ tối, lúc nào khách cũng xếp hàng đông đen, bà Sáu cùng 7-8 người phụ việc không lúc nào được ngơi tay. Ước tính mỗi ngày bà bán trên dưới ngàn đĩa gỏi khô bò, doanh thu cả chục triệu đồng.

Bà Sáu với quán gỏi khô bò là một minh chứng cho giá trị của “nhất nghệ tinh”.

Vì vậy mà không ngạc nhiên khi nghe bà nói rằng, gần đây con trai có ngỏ ý muốn đưa ông bà qua Mỹ định cư, nhưng “chuyện đó tui chưa tính tới”. Việc ngày ngày ra vỉa hè quen thuộc, làm công việc quen thuộc với những khách lạ, khách quen, khiến bà cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống của mình…