Khu di tích Mỹ Sơn đang bị bào mòn bởi thời gian.
Các đợt mưa lũ liên tiếp làm cho các di tích kiến trúc cổ ở Hội An và Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam xuống cấp trầm trọng. 18 năm sau khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận Hội An và Mỹ Sơn là chính quyền và ngành chức năng địa phương đã triển khai nhiều giải pháp trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn không chống lại sự “lão hóa” theo thời gian.
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được xây dựng từ nhiều thế kỷ qua. Theo sử sách, tại khu vực này có hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp nguy nga, tráng lệ mang đậm dấu ấn của nền văn minh Chămpa. Trải qua bao nhiều năm tháng trường tồn trên vùng đất có độ ẩm rất cao, mưa nhiều khiến các công trình kiến trúc đặc sắc ngày càng xuống cấp. Thực tế này tạo nên áp lực lớn đối với công tác bảo tồn, trùng tu di tích trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp.
Nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư nguồn kinh phí lớn giúp cho Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đứng vững, chống chọi với nhiều thách thức của thời gian. Tại nhóm tháp H, các chuyên gia Ấn Độ đang triển khai một dự án trùng tu, nhưng đang vào mùa mưa bão nên công trình phải tạm dừng. Trước khi ra về, các chuyên gia Ấn Độ cũng kịp dùng gỗ để áp giữ những bức tường gạch khỏi bị sụp đổ.
Một khu tháp có nguy cơ đổ sập.
Ông Lê Văn Minh, người có nhiều năm nghiên cứu về khu di tích Mỹ Sơn cho biết, những năm 1980, các chuyên gia Ba Lan tiến hành trùng tu các khu tháp A, B, C, D tạm ổn. Từ năm 2003 đến năm 2013, chuyên gia Italia cũng đã tiến hành trùng tu tháp G, ứng dụng vào công tác trùng tu chất liệu dầu rái tương đối hiệu quả. Theo ông Lê Văn Minh, những khu có nguy cơ cao như A’, E, F trong tình trạng gần như phế tích, nếu không kịp thời cứu vãn thì khó bảo tồn lâu dài cho đời sau.
"Trước áp lực của thiên nhiên thì chúng tôi cũng có giải pháp trong khả năng của mình. Ví dụ để giảm độ ẩm ở đây thì chúng tôi cho phát rong rừng cho thoáng để thông gió. Phía rừng xa thì chúng tôi lại dưỡng cây để cho tốt, che chắn những đợt gió lớn để giảm độ phong hóa di tích. Những ngày lũ lớn, nếu chúng tôi không can thiệp thì nước sẽ ngập một phần di tích" - ông Minh nói.
Một số kiến trúc cổ bị hư hại.
Hiện nay, khó khăn trong việc trùng tu đối với khu Di tích Mỹ Sơn là do thời tiết. Tại nhiều nhóm tháp, mưa gió đã bào mòn, khoét sâu vào bức tường gạch, rêu phong và cây dại cũng theo đó mọc um tùm, che phủ đền đài.
Ông Lê Trung Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, theo Luật Di sản thì Khu vực 1 là “bất khả xâm phạm” nên không thể triển khai các hạng mục trùng tu làm phá vỡ cảnh quan: "Tất cả các hạng mục mà muốn trùng tu thì phải có Hội thảo khoa học, có kế hoạch và được phê duyệt của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch mới trùng tu được. Về phía tỉnh cũng đã chỉ đạo tiếp tục xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn đầu tư để trùng tu. Trong đó nguồn chính vẫn là sự tài trợ của các Tổ chức UNESCO, các tổ chức phi Chính phủ".
Trùng tu di tích chùa Bà Mụ ở Hội An.
Trong khi đó, đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam sau 18 năm trở thành Di sản Văn hóa Thế giới cũng đang xuống cấp nặng nề. Những năm gần đây, đô thị cổ Hội An hứng chịu hậu quả của nước biển dâng, gây xói lở bờ biển; tình trạng ngập úng, hệ lụy của việc xả lũ của các thủy điện đầu nguồn cũng như các hoạt động dịch vụ của con người trong Khu phố cổ. Khu vực nội thị còn chịu tác động lớn của tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số, tình trạng chen lấn, trưng bày hàng hóa lộn xộn ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, chân xác của di sản.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn đặt ra thách thức cần phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; bảo tồn vừa đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác, vừa phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân; mối quan hệ giữa vấn đề dân số, dân cư trong sự biến động liên quan đến việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Trùng tu nhà cổ tại Hội An.
"Chúng ta tưởng chừng đã làm tốt nhưng đặt ra trong tương lai là con người thực thi các nhiệm vụ bảo tồn. Chúng tôi lo nhất là vấn đề tay nghề. Trong tương lai, những nghệ nhân, người thợ lành nghề như nghề mộc, đắp vẽ, lắp ngói âm dương cũng đang mất dần. Chúng ta biết rằng, bảo tồn, trùng tu, tu bổ di tích là 1 ngành khoa học, không đơn thuần là công tác giữ lại, bảo tồn mà còn là phương pháp, khoa học", ông Nguyễn Chí Trung nói.